Điểm tín dụng là chỉ số quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến hạn mức thẻ tín dụng được cấp và lãi suất mà bạn phải chịu khi vay vốn ngân hàng. Điểm tín dụng của bạn càng cao, bạn sẽ được hưởng mức ưu đãi càng lớn từ ngân hàng. Để hiểu rõ hơn về điểm tín dụng và những cách nâng cao điểm tín dụng, BIDV mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Xem thêm:
1. Điểm tín dụng là gì?
Điểm tín dụng là con số thể hiện lịch sử tín dụng của bạn theo tiêu chuẩn và quy tắc xếp hạng quốc tế dựa trên việc phân tích hồ sơ tín dụng của bạn. Điểm tín dụng được quản lý bởi Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điểm tín dụng được xác định dựa trên lịch sử tín dụng cá nhân, bao gồm 3 yếu tố:
- Trả nợ đúng hạn
- Số tiền vay
- Số lượng tài khoản tín dụng đang sử dụng
Điểm tín dụng là con số thể hiện lịch sử tín dụng của bạn theo tiêu chuẩn và quy tắc xếp hạng quốc tế
Khi điểm tín dụng của bạn càng cao, bạn càng được đánh giá tốt và có cơ hội được hưởng mức lãi suất tốt khi giao dịch với ngân hàng.
Ngược lại, điểm tín dụng thấp sẽ đẩy bạn vào “danh sách đen” của một tổ chức tín dụng bởi vì đây là một trong những tiêu chuẩn cần kiểm tra đầu tiên của các ngân hàng trước khi quyết định cho bạn vay tiền hoặc cấp hạn mức thẻ tín dụng. Vì thế, bạn cần biết những cách thức khác nhau để giúp cải thiện điểm tín dụng ngay hôm nay.
2. Tầm quan trọng của điểm tín dụng
Điểm tín dụng được ví như thước đo uy tín tín dụng, thể hiện khả năng trả nợ và mức độ rủi ro khi vay vốn của một cá nhân. Việc sở hữu điểm tín dụng cao ảnh hưởng đến 3 khía cạnh sau đây:
- Quyết định cho vay của ngân hàng: Các ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng điểm tín dụng để đánh giá khả năng tín dụng, với điểm tín dụng cao cho thấy lịch sử tín dụng tốt và khả năng thanh toán đúng hạn. Điều này có thể giúp bạn dễ dàng tiếp cận các khoản vay.
- Lãi suất vay: Đối tượng có điểm tín dụng cao thường được ưu đãi áp dụng lãi suất vay thấp hơn, do ngân hàng coi đây là dấu hiệu của khả năng trả nợ tốt và rủi ro thấp.
- Ưu đãi và tiện ích: Điểm tín dụng cao có thể mang lại nhiều lợi ích như khoản vay với lãi suất ưu đãi, hạn mức tín dụng cao hơn, hoặc dễ dàng được phê duyệt các sản phẩm tài chính. Các hãng bảo hiểm và nhà cung cấp dịch vụ khác cũng có thể xem xét điểm tín dụng để đưa ra quyết định về việc cung cấp dịch vụ và giá cả cho bạn.
3. Bí quyết nâng điểm tín dụng
3.1. Luôn thanh toán đúng hạn và đầy đủ
Tất cả hoạt động tín dụng của bạn đều được ghi nhận trên hệ thống CIC, cho phép các ngân hàng biết được những khoản vay nợ hiện tại của bạn. Lịch sử tín dụng xấu thường tồn tại từ 4-5 năm và hoàn toàn không thể thay đổi được.
Việc thanh toán chậm sẽ làm giảm điểm tín dụng và đồng thời khiến bạn phải chịu mức lãi phạt rất cao. Do đó, bạn cần đảm bảo trả nợ vay, nợ thẻ tín dụng đúng hạn và đầy đủ, không chậm trễ dù chỉ một ngày.
3.2. Hạn chế mở quá nhiều thẻ tín dụng
Nếu bạn sở hữu trên 2 thẻ tín dụng, có nghĩa là bạn đang vay tiền thanh toán trước, trả tiền sau từ nhiều hơn 2 ngân hàng. Mở một thẻ tín dụng mới có thể làm giảm điểm tín nhiệm của bạn, nhất là khi lịch sử giao dịch tín dụng của bạn chưa đủ lâu.
Vì thế, bạn nên đóng bớt những thẻ ít sử dụng và giữ lại thẻ đã mở lâu nhất, để giúp nâng cao mức độ tín nhiệm của bản thân. Lưu ý rằng, bạn chỉ đóng thẻ tín dụng khi đã trả hết số dư nợ trên thẻ tín dụng đó.
3.3. Trả bớt nợ cũ và hạn chế nợ mới
Khoản vay là khoản nợ, hãy chỉ vay khi thật sự cần thiết và vay trong khả năng chi trả của bản thân. Nếu bạn có quá nhiều khoản nợ thì cơ hội vay thêm tiền của bạn trở nên khó khăn hơn bởi vì tổ chức tín dụng nhận định rằng bạn đang có vấn đề về tài chính.
Do vậy, bạn cần có kế hoạch trả dần số nợ để tăng điểm tín dụng của bạn, nhờ đó tăng khả năng được vay thêm sau này.
3.4. Luôn theo dõi các thông báo tín dụng
Bạn cần theo dõi các thông báo tín dụng được gửi từ ngân hàng để có thể điều chỉnh việc chi tiêu cho phù hợp, đồng thời có thể phát hiện những dữ kiện sai sót một cách kịp thời để có phương án xử lý. Đặc biệt, bạn cần theo dõi tín dụng để không tiêu vượt hạn mức tín dụng được cấp, tránh trường hợp phải chịu mức phí phạt từ ngân hàng và làm giảm điểm tín dụng của bạn.
Với những bí quyết được chia sẻ trong bài viết này, hy vọng bạn đã có thêm kiến thức và phương pháp để cải thiện điểm tín dụng của bản thân. Bằng việc tuân thủ kỷ luật khi kiểm soát tài chính, bạn sẽ có cơ hội dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tài chính ưu đãi, tận hưởng lãi suất vay thấp và mở ra nhiều cơ hội mới trong tương lai.