Số 09/2016: Hội thảo khoa học phát triển Du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ: Tạo lập không gian du lịch miền Trung
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của các tỉnh Bắc – Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, từ đó đưa ra các giải pháp liên kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch của các tỉnh, thành phố vùng Bắc – Nam Trung Bộ. Qua đó đẩy mạnh liên kết và thúc đẩy du lịch các tỉnh Bắc Nam Trung Bộ phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tìm cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan trong quản lý, đầu tư về lĩnh vực du lịch và liên kết phát triển du lịch.
Với tổng chiều dài đường bờ biển gần 1.800 km, vùng Bắc - Nam Trung Bộ được xem như là “mặt tiền” ra biển Đông của Việt Nam nói riêng và các quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương, vùng Đông Bắc Thái Lan nói chung. Đây cũng đồng thời là khu vực có vai trò quan trọng trong bản đồ phát triển du lịch của cả nước. Trong thời gian vừa qua, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong khu vực cũng như liên kết quốc tế trong việc phát triển du lịch đã được các quốc gia và các địa phương quan tâm thực hiện với việc ra đời hàng loạt các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn như: “Hành trình di sản Miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Chương trình du lịch một ngày ăn cơm 3 nước”, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội.
Tuy nhiên để tăng khả năng phát triển du lịch vùng, thu hút và phát triển thị trường khách du lịch đường bộ cả trong nước lẫn quốc tế thì việc quan tâm tới sản phẩm đặc thù cho vùng là hết sức cần thiết và cần có sự chung tay hợp tác chặt chẽ của tất cả các tỉnh trong vùng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng “Vùng Bắc - Nam Trung bộ có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc với nhiều di sản. Tuy nhiên, nhìn chung các tỉnh chúng ta vẫn chưa khai thác và phát huy được tiềm năng và lợi thế quan trọng đó để phát triển; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao so với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước. Thương hiệu điểm đến của các địa phương trên bản đồ du lịch vùng, khu vực và thế giới chưa rõ ràng, thậm chí chưa được chú trọng.
Vì vậy, để tìm một hướng đi cho du lịch các tỉnh vùng Bắc - Nam Trung bộ, nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của mỗi địa phương; đồng thời, từng bước liên kết tạo điểm đến chung trên cơ sở hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn để thu hút du khách là việc làm rất cần thiết và cấp bách”.
Cũng tại hội thảo, với vai trò là đơn vị khởi xướng ý tưởng, đồng tổ chức và tài trợ, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT BIDV đề xuất một số giải pháp liên kết phát triển du lịch Bắc Nam trung bộ giai đoạn 2016 -2020: “Một là đổi mới tư duy, nhận thức, gắn với mở rộng không gian du lịch khu vực Bắc – Nam Trung Bộ. Cụ thể, Chính phủ, Bộ ngành trung ương và các địa phương trong vùng cần xem vùng Bắc - Nam Trung Bộ là một thực thể thống nhất, là “miền Trung” duy nhất của Việt Nam; tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch, mở rộng không gian du lịch khu vực Bắc – Nam Trung Bộ trong thời gian tới. Hai là, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng. Các địa phương trong vùng cần sớm phối hợp với Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xây dựng kế hoạch liên kết phát triển du lịch khu vực Bắc – Nam Trung Bộ trong mối liên kết với vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. Trong đó tập trung đẩy mạnh liên kết trong công tác quy hoạch; phát triển hạ tầng giao thông; kết nối các đường bay nội địa và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; và xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch liên vùng như du lịch di sản (từ Thanh Hóa đến Quảng Nam), du lịch tâm linh (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), du lịch biển đảo (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận). Ba là, tăng cường kết nối du lịch với quốc tế và các vùng khác trong cả nước. Bốn là, nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với phân công triển khai cụ thể đối với từng địa phương trong vùng. Trên cơ sở “nhất thể hóa” vùng Bắc – Nam Trung Bộ được Chính phủ chấp thuận, Bộ VH-TT-DL cần sớm triển khai xây dựng quy hoạch không gian du lịch thống nhất của toàn vùng. Năm là, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực.”
Tại Hội thảo cũng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch quan trọng giữa 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc - Nam Trung Bộ. Theo đó, nội dung ký kết sẽ tập trung vào các vấn đề: Hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Về hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Hợp tác phát triển nhân lực du lịch, theo nguyên tắc: thống nhất về chủ trương, chính sách, nội dung hợp tác chính và xuyên suốt.
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Ban Thương hiệu và Quan hệ công chúng
Tel: +84.4.22205256
Website: www.bidv.com.vn
Thông tin bổ sung:
Vai trò, cam kết của BIDV đối với phát triển du lịch khu vực Bắc – Nam Trung Bộ giai đoạn 2016-2020
Với tư cách đơn vị khởi xướng ý tưởng, đồng tổ chức và tài trợ Hội thảo, BIDV đã khẳng định cam kết đồng hành với sự phát triển du lịch miền Trung, cụ thể:
- Thứ nhất, tư vấn phát triển du lịch cho các địa phương vùng. Cụ thể, BIDV sẽ hỗ trợ 10 tỷ đồng trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, không gian du lịch chung của vùng Bắc – Nam Trung Bộ; đồng thời tham gia ý kiến, phản biện đối với các quy hoạch, chương trình, sự kiện… phát triển du lịch của từng địa phương cũng như của toàn vùng. Bên cạnh đó, BIDV cam kết sẽ tư vấn cho các địa phương trong vùng về các giải pháp tài chính (huy động vốn) nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch.
- Thứ hai, cung ứng vốn tín dụng, tài trợ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm trong vùng. BIDV cam kết dành 3-5 tỷ USD tài trợ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm trong vùng giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 1-2 tỷ USD tập trung tài trợ triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng QL 47 theo hình thức BOT (Thanh Hóa); Dự án đại lộ Vinh – Cửa Lò (Nghệ An); Dự án BT Cam Lộ - Túy Loan; Dự án hầm số 2 qua Đèo Ngang (Hà Tĩnh); Dự án cao tốc Bắc Nam; Dự án kết nối giao thông giữa các tỉnh Miền Trung với các tỉnh nam Lào thông qua các cửa khẩu Thanh Thủy, Cầu Treo, Cha Lo... Và 2-3 tỷ USD tập trung tài trợ triển khai các dự án hạ tầng du lịch cao cấp, như: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng biển tại Hội An (Quảng Nam); Dự án Quần thể khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Dự án “Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình” với TMĐT 8.500 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch Vinpearl Hải Giang (Bình Định) với TMĐT 3.500 tỷ đồng; Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn với TMĐT 3.500 tỷ đồng...
- Thứ ba, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư, quảng bá và thúc đẩy liên kết phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2016-2020, BIDV sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong vùng cũng như vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tài trợ tổ chức các chương trình, sự kiện, tọa đàm, hội thảo, hội nghị... về xúc tiến đầu tư, quảng bá và liên kết phát triển du lịch khu vực Bắc – Nam Trung Bộ. Riêng trong năm 2016, BIDV cam kết hỗ trợ tổ chức thành công các Hội nghị XTĐT và quảng bá du lịch tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận...; đồng thời phối hợp với Ban KTTW và Ban điều phối vùng DHMT tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận... về liên kết vùng nói chung và liên kết phát triển du lịch nói riêng.
Để Hội thảo thành công tốt đẹp, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy liên kết phát triển du lịch khu vực Bắc – Nam Trung Bộ trong thời gian tới, kính đề nghị các quý vị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận đối với những vấn đề sau:
(i) Tiềm năng, lợi thế vượt trội về du lịch của khu vực Bắc – Nam Trung Bộ so với các vùng miền khác trên cả nước.
(ii) Kết quả, thực trạng phát triển du lịch khu vực Bắc – Nam Trung Bộ trong thời gian qua.
(iii) Sự cần thiết phải liên kết phát triển du lịch Bắc – Nam Trung Bộ và đề xuất các giải pháp triển khai trong thời gian tới”.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0849351080/ 0822808588/ 0842152355/ 0766151080/ 0763238588/ 0784132388/ 0358201080/ 0357638588/ 0334282388
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng