Số 62/2014: Tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ - Việt Nam với các tỉnh Nam Trung Bộ - Lào lần thứ 2

03/11/2014

Số 62/2014: Tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ - Việt Nam với các tỉnh Nam Trung Bộ - Lào lần thứ 2

Ngày 2/11/2014, tại thành phố Qui Nhơn, Bình Định, Phân ban hợp tác Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Nam Trung Bộ của Lào. Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), BIDV và tỉnh Bình Định đã phối hợp tổ chức.

Tham dự và chỉ đạo tọa đàm là đại diện lãnh đạo hai Chính phủ, Ông Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng  CHXHCN Việt Nam- Chủ tịch phân ban hợp tác Việt – Lào và Ông Sổm sa vạt Leng sa vát - Phó Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào,Chủ tịch phân ban hợp tác  Lào – Việt cùng đại diện lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam và lãnh đạo của 7 tỉnh khu vực Trung Nam Lào. Tọa đàm cũng thu hút sự tham dự của hơn 250 đại biểu từ các tỉnh và 80 doanh nghiệp Lào và Việt Nam.

​Từ sau tọa đàm lần thứ nhất tổ chức tại Pắc xế, Chăm Pa sắc (Lào) tháng 3/2012, các hoạt động hợp tác đầu tư, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp 02 nước tại khu vực này được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của Lào, thay đổi diện mạo đời sống xã hội – văn hóa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh tại Trung và Nam Lào.

Mục tiêu của tọa đàm lần này hướng tới các nội dung cụ thể thiết thực như sau: Thứ nhất, đây là bước khởi động chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào vào tháng 1 năm 2015; Thứ hai, đối thoại trao đổi giải quyết  những khó khăn vướng mắc tồn tại đối với từng dự án cụ thể ở từng địa phương của các tỉnh Trung Nam Lào để tháo gỡ nhanh chóng kịp thời cho các chủ đầu tư Việt Nam; Thứ ba là đặt ra những giải pháp mục tiêu để đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào đặc biệt là đầu tư, thương mại trong giai đoạn tiếp theo.

Tính đến nay, Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho 413 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông – lâm nghiệp và khai khoáng…  

 Tổng số FDI giải ngân lũy kế của các dự án Việt Nam đến nay đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD,  tương ứng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam tại Lào, trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế Lào, tăng thu ngân sách và tạo việc làm ổn định cho trên 30 nghìn lao động của Lào.

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tập trung lớn tại khu vực Trung Nam Lào. Tính đến hết tháng 9/2014, số dự án đầu tư của Việt Nam vào khu vực Trung  Nam Lào là 199 dự án, chiếm khoảng 49% tổng số dự án đầu tư vào Lào;  tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,7 tỷ USD, chiếm 95,4% tổng số FDI đăng kí của Việt Nam tại Lào. Tính từ sau tọa đàm xúc tiến đầu tư vào khu vực Trung Nam Lào lần thứ nhất tại Chawmpasak năm 2012, đã có 36 dự án mới với tổng số vốn đầu tư là 1.53 tỷ USD được Chính phủ Lào cấp phép, gấp 1.5 lần so với năm 2012.

Nhiều dự án quy mô lớn đang được các doanh nghiệp Việt Nam tích cực triển khai như:  lĩnh vực khai khoáng (Dự án muối mỏ Kali tại Khăm muộn với tổng đầu tư gần 500 triệu USD); lĩnh vực năng lượng, thuỷ điện (điện (Có 4 dự án, tổng số vốn đầu tư là hơn 1,17 tỷ USD, chiếm 24,7% như: Dự án thủy điện Xekaman 1, Thuỷ điện Luangprabang,…); Đầu tư cơ sở hạ tầng (Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La sang tỉnh Khămmuộn, sân bay Attopư, các dự án xây dựng đường giao thông khác), điển hình đi đầu tạo động lực cho doanh nghiệp là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai… đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương và du lịch mang tính đột phá.  

Về hợp tác thương mại, đến hết tháng 9 năm 2014,kim ngạch thương mại hai chiều VN – Lào đạt 995 triệu USD.  Riêng khu vực Trung Nam Lào, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 600 triệu USD, (tăng 48.3% so với cùng kỳ năm 2013), chiếm 60% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 190 triệu USD, nhập khẩu từ Lào đạt 410 triệu USD. Dự kiến đến hết năm 2014, kim ngạch hai chiều Việt Nam – Lào đạt 1.4 tỷ USD.

Riêng tình hình hợp tác kinh tế giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung Nam Lào cũng đạt nhiều kết quả đáng kể. Các dự án đều tập trung vào khai thác các thế mạnh của khu vực Trung Nam Lào như:  trồng cây công nghiệp (Cao su, cọ), thủy điện, khai khoáng… Các dự án đều thực hiện đúng tiến độ, được Chính phủ Lào, địa phương Lào đánh giá là có hiệu quả, góp phần thay đổi hẳn diện mạo kinh tế của địa phương, cải thiện cơ bản cuộc sống của người dân Lào khu vực đầu tư dự án.

Bên cạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Trung Nam Lào như: chương trình cử chuyên gia hỗ trợ cho các tỉnh Lào trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sekong, hỗ trợ nâng cấp các cửa khẩu Phù Cưa, Đak Blô, Tây Giang – Kà Lừm và các công trình khác như thao trường, bệnh xá, trường mẫu giáo giữa các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum với tỉnh Sekong, Attapue,…

Với tư cách đầu mối tổ chức, dẫn dắt các Doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) trong đầu tư vào Lào, hiệp hội AVIL là đầu mối tạo thành khối gắn kết, tập trung nguồn lực, đầu tư dứt điểm các Dự án do DNVN đầu tư, giải quyết cơ bản vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNVN trong cùng lĩnh vực đầu tư; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Doanh nghiệp đầu tư sang Lào; kịp thời tập hợp các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của các DNVN báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành 2 nước.

Phát biểu tại tọa đàm, bên cạnh việc nêu rõ những bất cập, vướng mắc đang tồn tại trong việc đầu tư vào Lào của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp tích cực để tháo gỡ các bất cập hiện có, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch AVIL/BIDV cũng đề nghị: “Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam giao AVIL là đơn vị tư vấn cho các cơ quan chức năng hai nước về năng lực, kinh nghiệm và khả năng thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp trước khi Chính Phủ hai nước cấp phép”.

Mục tiêu phấn đấu của AVIL đến 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam sang Lào phấn đấu đạt được 5.8 tỷ USD,tăng trưởng khoảng 11.6%, trong đó khu vực Trung Nam Lào chiếm 95,5% (tăng trưởng 12%); Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước phấn đấu cán đích 2 tỷ USD vào năm 2015, tăng khoảng 42% so với 2014. Trong đó, khu vực Trung Nam Lào phấn đấu đạt từ 1-1.2 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 60%), gấp khoảng 1.5 lần so với 2014)

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng , địa phương hai nước để có giải pháp tháo gỡ tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào trong thời gian tới; Các ý kiến đề xuất và những nội dung được đưa ra tại tọa đàm cũng sẽ được Phân ban hợp tác Việt nam – Lào, Lào – Việt Nam tổng hợp để xem xét đưa vào nội dung hợp tác của kì họp lần thứ 37 ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2015.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của Chính phủ, Bộ, ngành hai nước;  sự hỗ trợ, dẫn dắt làm tốt vai trò cầu nối của AVIL cùng với sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách (các thủ tục về thuế, thông quan, hải quan....) của Hiệp định thương mại song phương mới chuẩn bị kí kết giữa hai nước sẽ tạo ra cú hích đẩy mạnh hợp tác đầu tư, tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội AVIL cũng đã trao quà An sinh xã hội cho 07 tỉnh Trung Nam Lào, mỗi tỉnh 20 bộ máy tính PC.

Nhân dịp tổ chức Tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ Việt Nam với các tỉnh Trung Nam Lào, Đoàn Thanh niên Cách mạng Nhân dân Lào  và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng với sáng kiến của Hiệp hội AVIL,  Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thống nhất triển khai chương trình kết nghĩa hợp tác đặc biệt hữu nghị đoàn thanh niên giữa các địa phương, thí điểm đầu tiên là chương trình hợp tác kết nghĩa giữa đoàn Thanh niên tỉnh Bình Định và đoàn Thanh niên tỉnh Champasak. Trong đợt này, tỉnh đoàn Bình Định và Tỉnh đoàn Champasak đã ký kết Quy chế hợp tác, Chương trình kế hoạch hành động giai đoạn 2014-2019 và tổ chức Liên hoan Thanh niên Bình Định - Champasak lần thứ nhất với  nhiều hoạt động ý nghĩa như: thăm quan mô hình xây dựng kinh tế, khánh thành cột cờ Đảo Nhơn Châu... Đây sẽ là mô hình mẫu cho việc triển khai các hoạt động giao lưu của đoàn thanh niên từng địa phương của Lào và Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kết nghĩa toàn diện của Đoàn Thanh niên hai nước.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Bà Hà Thị Thanh Bình – Tổng thư ký Hiệp Hội các nhà đầu tư sang Lào (AVIL).

Điện thoại: 0903.292.440.

Một số đề xuất của AVIL tại tọa đàm

(i)- Những đề xuất chung đối với Chính phủ hai nước:

- Sớm thống nhất ký kết Hiệp định thương mại song phương mới giữa Việt Nam và Lào trong năm 2014 và các quy chế phối hợp chung và hướng dẫn triển khai các Hiệp định hợp tác thương mại, đầu tư giữa 02 nước.

- Chỉ đạo Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng thương mại hai nước có cơ chế hỗ trợ đối với doanh nghiệp để thực hiện dự án như chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận, tài trợ vốn, lãi suất và tài sản đảm bảo.

- Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT 02 nước phối hợp thống nhất và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hạch toán, ghi nhận đầu tư, thuế và các chi phí an sinh xã hội…

(ii) Đề xuất đối với Chính Phủ Lào:

- Rà soát lại hệ thống quy định pháp luật tại Lào để điều chỉnh và ban hành đồng bộ, làm cơ sở cho các doanh nghiệp Việt Nam tham chiếu để thực hiện.

- Có quy hoạch và định hướng phát triển đầu tư theo từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể, đặc biệt là các lĩnh vực mà Trung - Nam Lào có thế mạnh như: thủy điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp...

- Cung cấp danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại khu vực Trung Nam Lào, đặc biệt là các dự án dọc tuyến biên giới 2 nước, các dự án trọng điểm quy mô lớn hoặc thuộc diện hợp tác 02 nước trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, khai khoáng, nông nghiệp, thủy điện và ưu tiên giao lại cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện, đồng thời có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

- Có cơ chế linh động trong giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt là vấn đề đất đai, xem xét có chính sách ưu đãi (giảm giá thuê đất), đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại một số khu vực vùng sâu, xa, khó khăn Để tăng sức hấp dẫn và cân đối lại địa bàn đầu tư.

- Có chính sách ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi phá hoại (sản xuất, tin đồn thất thiệt) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

- Có cơ chế ưu đãi đặc biệt về sử dụng lao động nước ngoài cho các tỉnh biên giới và các tỉnh Trung - Nam Lào nói riêng, đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng tay nghề và năng suất lao động địa phương.

- Có chính sách ưu đãi, thông thoáng về thông quan cho các phương tiện vận tải, vận chuyển hàng hóa, thuế XNK, thủ tục hải quan tại các cửa khẩu các tỉnh Trung - Nam Lào để tăng cường giao thương hai nước.

(iii) Đề xuất đối với Chính phủ Việt Nam:

- Phối hợp với Chính phủ Lào để xây dựng định hướng phát triển kinh tế Trung - Nam Lào, các dự án trọng điểm ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Rút ngắn thời gian cấp phép cho các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào nói chung và của các tỉnh Trung - Nam Lào nói riêng. Có các cơ chế ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang các tỉnh Trung - Nam Lào.

- Phối hợp với phía Lào để tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng hóa hai nước tại các tỉnh Trung - Nam Lào (tổ chức 02 lần một năm).

- Chỉ đạo nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào chuyển nhượng dự án.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}