Thẻ tín dụng là một sản phẩm ngân hàng mang lại nhiều lợi ích cho người dùng như: thanh toán nhanh chóng, an toàn, tích lũy điểm thưởng, hoàn tiền, tham gia các chương trình khuyến mãi,... Tuy nhiên, để sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả và tránh những rủi ro không mong muốn, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về sản phẩm này.
1. Điều kiện phát hành thẻ tín dụng
1.1 Điều kiện chung
Để mở thẻ tín dụng, bạn cần đáp ứng các điều kiện chung sau:
- Người Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
- Người nước ngoài có thời hạn cư trú còn lại tại Viêt Nam ít nhất là 90 ngày kể từ ngày đăng ký phát hành thẻ, và được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
- Không phát sinh nợ nhóm 2, nợ xấu, nợ bán VAMC
Điều kiện chung để mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng
Xem thêm: Thẻ tín dụng bao nhiêu số, vai trò của số trên thẻ là gì?
1.2 Điều kiện về năng lực tài chính
Ngoài ra, để mở thẻ tín dụng, bạn cần đáp ứng năng lực tài chính, cụ thể:
- Phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: Thu nhập bình quân hàng tháng tối thiểu 4 triệu đồng.
- Phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: sở hữu sổ tiết kiệm, bất động sản, tài sản khác.
2. Hồ sơ mở thẻ tín dụng
Để mở thẻ tín dụng tại ngân hàng, bạn cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
- Hồ sơ nhân thân: gồm Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/ Hộ chiếu và Sổ hộ khẩu/KT3/Xác nhận tạm trú/Giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú và thời hạn cư trú còn lại (đối với người nước ngoài).
- Hồ sơ chứng minh năng lực tài chính: gồm Hợp đồng lao động/Quyết định tuyển dụng/Quyết định bổ nhiệm và sao kê tài khoản trả lương/Xác nhận thu nhập…
- Hồ sơ tài sản bảo đảm (trường hợp phát hành thẻ có tài sản bảo đảm): Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản bảo đảm.
Hồ sơ mở thẻ tín dụng ngân hàng
- Thẻ tín dụng có thể được phát hành không có tài sản bảo đảm, có tài sản bảo đảm hoặc kết hợp cả hai hình thức.
3. Cách tính lãi thẻ tín dụng
Để sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh và hiệu quả, bạn cần nắm rõ cách tính lãi thẻ tín dụng. Trước tiên, bạn cần hiểu rõ các khái niệm sau:
- Kỳ sao kê: trong khoảng thời gian 1 tháng, bắt đầu vào ngày 20 hoặc ngày 25 hàng tháng
- Dư nợ cuối kỳ sao kê: là tổng số tiền từ các giao dịch phát sinh trong kỳ, các loại phí và có thể bao gồm cả lãi của kỳ sao kê trước nếu kỳ trước không thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
- Số tiền thanh toán tối thiểu: là số tiền tối thiểu phải trả mỗi kỳ sao kê nhằm mục đích không làm ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của khách hàng, cũng như hạn chế phát sinh phí phạt do trả chậm. Số tiền thanh toán tối thiểu khoảng từ 3%-5% dư nợ cuối kỳ sao kê hàng tháng.
- Ngày đến hạn thanh toán: là ngày cuối cùng mà chủ thẻ được miễn lãi cho các khoản chi tiêu phát sinh trong kỳ. Nếu không thể thanh toán toàn bộ khoản chi tiêu, chủ thẻ cần thanh toán giá trị tối thiểu để không bị ngân hàng tính phí phạt trả chậm.
- Tiền lãi thẻ tín dụng: (trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán được toàn bộ số dư nợ cuối kỳ vào ngày đến hạn thanh toán hàng tháng) tính theo dư nợ cuối ngày, theo công thức: Dư nợ cuối ngày x lãi suất năm/365 x số ngày vay thực tế.
- Đối với giao dịch rút tiền mặt hoặc tương đương rút tiền mặt (chuyển tiền/mua séc du lịch/mua thẻ trả trước…): Lãi được tính ngay vào cuối ngày rút tiền và phát sinh thêm phí rút tiền mặt.
Cách tính lãi thẻ tín dụng
Đối với giao dịch thanh toán hàng hóa dịch vụ:
- Nếu thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ sao kê vào hoặc trước ngày đến hạn thanh toán (có thông báo chi tiết từ ngân hàng): bạn không chịu bất kỳ khoản lãi, phí nào (thời gian được miễn lãi tối đa lên đến 45 ngày).
- Nếu thanh toán đủ hoặc nhiều hơn số tiền thanh toán tối thiểu của kỳ sao kê: bạn phải trả lãi theo mức lãi suất thẻ tín dụng đối với tất cả các giao dịch trong kỳ được tính từ ngày thực hiện giao dịch đến ngày thanh toán
- Nếu thanh toán ít hơn số tiền thanh toán tối thiểu của kỳ sao kê: phát sinh phí phạt trả chậm và lãi của tất cả các giao dịch trong kỳ tính từ ngày phát sinh giao dịch đến ngày thanh toán.
Ví dụ minh họa:
Bạn là chủ thẻ tín dụng quốc tế BIDV, phát sinh giao dịch thanh toán hàng hóa dịch vụ:
24/5/2019: giao dịch trị giá 3.000.000VND (1)
17/6/2019: giao dịch trị giá 7.000.000VND (2)
25/6/2019: giao dịch trị giá 2.000.000VND (3)
Ngày sao kê thẻ tín dụng: 20
Kỳ sao kê: 21/05-20/06/2019
Lãi suất thẻ tín dụng: 16%/năm
Phí phạt chậm thanh toán: 4% số tiền chậm thanh toán
Số tiền thanh toán tối thiểu: 5% dư nợ cuối kỳ sao kê
Ngày đến hạn thanh toán: 05/07/2019
=>> Dư nợ cuối kỳ sao kê: 10.000.000VND (Giao dịch (1)+(2))
=>> Giao dịch (3) tính vào kỳ sao kê 21/06-20/07/2019
=>> Trường hợp ngày 05/07/2019 thanh toán toàn bộ dư nợ, bạn chỉ phải trả 10.000.000VND
=>> Trường hợp ngày 05/07/2019, bạn thanh toán 400.000VND (số tiền này được trừ lần lượt vào dư nợ các ngày phát sinh giao dịch sớm hơn trong kỳ)
Ngày 9/7/2019, bạn thanh toán toàn bộ dư nợ thẻ, số tiền bạn phải trả là:
Dư nợ cuối kỳ (10.000.000 - 400.000) + Phí phạt chậm thanh toán + Tiền lãi ( 3.000.000*16%/365*42 + (3.000.000 - 400.000)*16%/365*4 + 7.000.000*16%/365*22)
=>> Trường hợp ngày 05/07/2019, bạn thanh toán 1.000.000VND (số tiền này được trừ lần lượt vào dư nợ các ngày phát sinh giao dịch sớm hơn trong kỳ)
Ngày 9/7/2019, bạn thanh toán toàn bộ dư nợ thẻ, số tiền bạn phải trả là:
Dư nợ cuối kỳ (10.000.000 - 1.000.000) + Tiền lãi 3.000.000*16%/365*42 + (3.000.000 – 1.000.000)*16%/365*4 + 7.000.000*16%/365*22
4. Các kênh thanh toán dư nợ thẻ tín dụng
Hiện nay, có rất nhiều kênh thanh toán dư nợ thẻ tín dụng tiện lợi và an toàn để bạn lựa chọn. Dưới đây là một số kênh thanh toán phổ biến nhất:
4.1 Thanh toán tại quầy giao dịch ngân hàng:
Ưu điểm:
- Có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản từ tài khoản khác.
- Được hỗ trợ bởi nhân viên giao dịch.
Nhược điểm:
- Cần di chuyển đến quầy giao dịch ngân hàng trong giờ làm việc.
- Thời gian chờ đợi có thể lâu hơn so với các kênh thanh toán khác.
4.2 Ứng dụng BIDV Smartbanking
Sử dụng BIDV SmartBanking để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng mang lại nhiều ưu điểm nổi bật cho khách hàng, cụ thể:
- Tiện lợi, nhanh chóng, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi.
- Không cần di chuyển đến quầy giao dịch.
- Có thể thanh toán nhiều thẻ cùng lúc.
- Xem được lịch sử thanh toán.
Tham khảo ngay Cách mở thẻ tín dụng Online nhanh chóng, đơn giản tại BIDV
4.3 Thanh toán qua ứng dụng thanh toán di động
Các kênh thanh toán thẻ tín dụng phổ biến hiện nay
Ưu điểm:
- Tiện lợi, nhanh chóng, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi.
- Hỗ trợ nhiều phương thức thanh toán khác nhau (ví điện tử, thẻ ngân hàng,...).
- Có thể thanh toán nhiều thẻ cùng lúc.
- Có nhiều chương trình khuyến mãi và ưu đãi.
Nhược điểm:
- Phí thanh toán (tùy vào ứng dụng thanh toán).
4.4 Chuyển khoản từ ngân hàng khác
Ưu điểm:
- Tiện lợi, linh hoạt
- Có thể thanh toán nhiều thẻ cùng lúc
Nhược điểm:
- Phí thanh toán (tùy vào ứng dụng thanh toán).
- Tốc độ thanh toán có thể chậm hơn so với thanh toán qua kênh khác
- Có thể bị giới hạn số tiền thanh toán
5. Lưu ý trong việc thanh toán dư nợ thẻ tín dụng
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bạn cần ghi nhớ khi thanh toán dư nợ thẻ tín dụng:
- Cần theo dõi các thông báo của ngân hàng hàng tháng (sao kê, tin nhắn SMS…) để thực hiện thanh toán toàn bộ dư nợ trước ngày đến hạn thanh toán
- Cần thanh toán sớm khoản tiền mặt vừa rút từ thẻ tín dụng
- Nếu không thể trả hết toàn bộ dư nợ cuối kỳ sao kê hàng tháng, cần có kế hoạch để thanh toán đủ hoặc nhiều hơn số tiền thanh toán tối thiểu, càng sớm càng tốt
Một số lưu ý quan trọng khi thanh toán dư nợ thẻ tín dụng
Có thể bạn quan tâm: Phân biệt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ: 3 điều cần biết
Hiểu rõ những điểm cần lưu ý trước khi mở thẻ tín dụng sẽ giúp bạn lựa chọn được loại thẻ phù hợp nhất, tận dụng tối đa lợi ích và tránh những rủi ro không đáng có.
Bạn đang tìm kiếm một giải pháp tài chính linh hoạt, an toàn và tiện lợi? Hãy cân nhắc lựa chọn thẻ tín dụng BIDV! Với nhiều loại thẻ đa dạng, ưu đãi hấp dẫn và dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp, BIDV sẽ đồng hành cùng bạn trên mọi hành trình.
Hãy liên hệ ngay với BIDV qua hotline 19009247 để được tư vấn chi tiết và lựa chọn thẻ tín dụng phù hợp nhất với nhu cầu của bạn!