Số 43/2016: BIDV phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016

06/08/2016

Số 43/2016: BIDV phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016

Ngày 06/08/2016 tại tỉnh Hà Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016”. Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất được tổ chức tại tỉnh, nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư theo 03 lĩnh vực chính: Công nghiệp; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và Thương mại - Dịch vụ - Du lịch.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị - Thủ tướng Chính phủ cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Lâm Đồng, Gia Lai và Hà Giang; các diễn giả, chuyên gia kinh tế uy tín; đại diện nhiều cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế như: Đại sứ quán Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipine, Singapore,… các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế Jetro, Kotra; các định chế tài chính cùng hơn 400 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Nam năm 2016 được tổ chức với mục tiêu giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi, các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Nam, các dự án, cơ hội đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, cả nước, đối tác nước ngoài nói chung quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư vào tỉnh Hà Nam.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hà Nam đang thể hiện rõ nét những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định “Hà Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, giao đất sạch không thu tiền để doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động…; nhất quán trong chính sách đầu tư; xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, xây dựng Hà Nam từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động, du khách trong và ngoài nước.”

Các lĩnh vực khuyến khích thu hút đầu tư gồm: phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; chú trọng những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trong hoạt động chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ để phát triển ổn định, bền vững. Tỉnh đã quy hoạch vùng trồng và chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sạch có giá trị gia tăng cao phục vụ cho các siêu thị lớn và xuất khẩu với diện tích gần 1.000 ha; phấn đấu trở thành Trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch vào năm 2020; tiếp tục kêu gọi đầu tư vào khu Trung tâm y tế chất lượng cao, Khu Đại học Nam Cao, Khu Du lịch Tam Chúc, sân golf và hệ thống các nhà hàng, khách sạn chất lượng cao, hiện đại.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tỉnh Hà Nam đã có những nỗ lực, đặc biệt là công tác cải cách hành chính và 10 cam kết của lãnh đạo tỉnh Hà Nam đối với các nhà đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh tỉnh Hà Nam đã nhiều năm phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở các đợt xúc tiến quy mô lớn với hàng trăm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đây là sự kết hợp tốt giữa một ngân hàng thương mại lớn và một tỉnh có nhu cầu phát triển, các địa phương khác cần nghiên cứu sự phối hợp này để hai bên cùng có lợi trong phát triển.”

Tại Hội nghị, BIDV cam kết dành 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng tài trợ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tập trung cho các dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, cũng như cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư tại các KCN (nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan), trong đó đặc biệt ưu tiên đối với ngành cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chăn nuôi, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ký thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư quy đổi trên 17 nghìn tỷ đồng (trong đó có Dự án đầu tư nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bán dẫn, LED, linh kiện LED của Tập đoàn Seoul Semiconductor (Hàn Quốc) tại Khu Công nghiệp Đồng Văn I, với tổng mức đầu tư 300 triệu USD).

Cũng tại Hội nghị, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam đã ký 4 biên bản ghi nhớ cung cấp tín dụng với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, BIDV sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Hà Nam trong công tác hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. BIDV cam kết hỗ trợ tỉnh 10 tỷ đồng xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn sau năm 2030 trong đó tập trung vào 02 quy hoạch: (1) Quy hoạch TP Phủ Lý với 7 phân khu chức năng và (2) Quy hoạch phát triển Du lịch tỉnh Hà Nam, gắn du lịch với khám chữa bệnh trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung bộ với các nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar.

Bên cạnh việc đồng hành cùng tỉnh Hà Nam phát triển kinh tế xã hội, BIDV đã hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho tỉnh Hà Nam. Tại Hội nghị, BIDV đã trao tặng 03 xe cứu thươngcho bệnh viện tuyến huyện (Lý Nhân, Bình Lục, Duy Tiên) với tổng trị giá 3 tỷ đồng, nâng tổng mức hỗ trợ an sinh xã hội dành cho tỉnh đến nay lên đến 35 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Một số thông tin về tỉnh Hà Nam:

Hà Nam có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong việc phát triển KT-XH và giao thương giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Nằm ở trung tâm của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50 km, mạng lưới giao thông thuận lợi: Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài gần 50km và các tuyến đường giao thông quan trọng khác như: Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38, hơn 4.000 km đường bộ, hơn 200 km tuyến giao thông đường thuỷ trên sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Tăng trưởng GDP của tỉnh giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 13,05%/năm, năm 2015 tăng 15,1% - mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, cao nhất của vùng Đồng bằng Sông Hồng (cao gấp 2,4 lần mức tăng trưởng của Nam Định, 2,2 lần Vĩnh Phúc, 1,9 lần Hải Dương, Hưng Yên và 1,7 lần Bắc Ninh). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành kinh tế nông nghiệp, năm 2015 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng: 58,3%, dịch vụ: 29,1%, nông, lâm nghiệp, thủy sản: 12,6%. Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm tăng bình quân 21,3%/năm, cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nước (khoảng 10%), đặc biệt, sản xuất tại các KCN có mức tăng trưởng bình quân đạt 28,1%/năm.

Hà Nam thuộc top 15 tỉnh thu hút đầu tư FDI tốt nhất cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng bình quân 14,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, gấp 2,5 lần giai đoạn 2005-2010. Tính đến hết tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh có gần 600 dự án đầu tư còn hiệu lực, với số vốn đăng ký là trên 4,95 tỷ USD, trong đó có trên 170 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,78 tỷ USD. Riêng trong các Khu công nghiệp có 244 dự án đầu tư còn hiệu lực với 142 dự án FDI, tổng vốn đăng ký là 1,64 tỷ USD và 102 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký là 10.160tỷ đồng. Theo bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2015, Hà Nam xếp thứ 31, tăng 14 bậc so với năm 2014 (xếp thứ 45). Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thể hiện rõ trong 10 cam kết của Lãnh đạo Tỉnh đối với nhà đầu tư.

10 cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư:

Cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp.Đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp gồm: cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải cho các doanh nghiệp.Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác.Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật.Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí.Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.Hải quan phục vụ Khu công nghiệp, thực hiện thủ tục hải quan điện tử nhanh gọn.Đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.Đảm bảo không có đình công, bãi công.Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.

 Mọi chi tiết xin liên hệ:

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Ban Thương hiệu & Quan hệ Công chúng

Điện thoại: 04. 22205256;  Fax: 04. 22225316

Website: www.bidv.com.vn

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}