Số 20/2014: BIDV tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014
ĐHĐCĐ thường niên BIDV năm 2014 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như:Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán và Phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ năm 2013; Báo cáo kết quả kinh doanh 2013 và trọng tâm định hướng kinh doanh 2014; Báo cáo hoạt động của HDQT, Ban Kiểm soát; Phương án tăng vốn điều lệ năm 2014; Ngân sách, thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2014; Kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đại hội đã bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012- 2017 là bà Phan Thị Chinh. Số lượng thành viên HĐQT sau khi bầu bổ sung là 10 thành viên.
Những kết quả chủ yếu thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ 2013
Đại hội đã nghe báo cáo của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc về kết quả kinh doanh 2013.Thực hiện Nghị quyết của ĐHĐCĐ năm 2013, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm, đồng thuận trong Ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV, BIDV đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết ĐHĐCĐ 2013 đề ra. Tính đến 31/12/2013, nguồn vốn huy động của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 416.726 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4% so với năm 2012. Cơ cấu huy động vốn của BIDV có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tính ổn định của nền vốn, đóng góp hiệu quả cho mục tiêu tiết kiệm chi phí vốn. Dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đạt gần 392 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2012, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động tăng trưởng tín dụng đảm bảo theo đúng định hướng của Chính phủ, NHNN, đồng thời kiểm soát cơ cấu, chất lượng tín dụng theo mục tiêu kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.290 tỷ, hoàn thành 112% kế hoạch ĐHĐCĐ 2013 giao; Đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro; Tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) đạt 0,78%;Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,8%; Tỷ lệ chi trả cổ tức: 8,5%.
Đặc biệt, trong năm 2013, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” của Ngân hàng Nhà nước; BIDV đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015; trong đó tập trung 03 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm: (1) Giải pháp tăng cường năng lực tài chính thông qua thực hiện các giải pháp tăng vốn, cơ cấu tài sản có. (2) Giải pháp tái cơ cấu hoạt động: Nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng; Cơ cấu lại công ty trực thuộc, liên doanh, liên kết, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư tài chính ngoại ngành; Quản lý chi phí hiệu quả; Định vị nền khách hàng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; Đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ trọng điểm. (3) Tái cơ cấu về mô hình tổ chức, quản trị điều hành: Đổi mới đồng bộ nguồn nhân lực; Củng cố lại mô hình tổ chức; Đổi mới hệ thống quản trị điều hành; Cơ cấu lại mạng lưới hoạt động...
Năm 2013, BIDV tiếp tục kiểm soát có kết quả chất lượng tín dụng theo quy định, giảm nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được khống chế ở mức dưới 3%/năm. Các biện pháp được BIDV tập trung thực hiện bao gồm: Rà soát thường xuyên các khoản vay; Chủ động phối hợp với khách hàng vay thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ; Tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; Đẩy nhanh tiến độ xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu…
Cũng trong năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh tái cơ cấu danh mục đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/03/2014, BIDV đã thực hiện quyết liệt thoái vốn tại khoản đầu tư ngoài ngành đảm bảo hoàn tất trước 31/12/2015.
Về tăng vốn điều lệ, ngày 6/8/2013 BIDV đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ từ 23.012 tỷ đồng lên 28.112 tỷ đồng với số lượng phát hành thực tế 510.032.102 cổ phiếu, đạt 99,998% tổng số cổ phiếu được phép phát hành qua đó giúp nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của BIDV đồng thời góp phần tuân thủ các quy định của NHNN về đảm bảo an toàn hoạt động.
Trong công tác lựa chọn kiểm toán độc lập, trên cơ sở ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông, HĐQT BIDV đã tổ chức lựa chọn đơn vị kiểm toán của BIDV cho năm tài chính 2014 và 2015 là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
Về công tác niêm yết cổ phiếu, ngày 24/01/2014, BIDV đã thực hiện niêm yết thành công toàn bộ 2.811.202.644 cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh. Sau trên 2 tháng giao dịch cổ phiếu BID đã thu hút rất lớn sự quan tâm của thị trường với khối lượng giao dịch bình quân xấp xỉ 2 triệu đơn vị/ngày. Việc niêm yết thành công tạo điều kiện cho BIDV nâng cao tính minh bạch và linh hoạt trong huy động vốn cổ phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh.
Điểm nhấn ấn tượng năm 2013 của BIDV đó là các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế. Điển hình là thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn bảo hiểm Metlife, Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ hàng đầu thế giới; Thỏa thuận hợp tác với một số ngân hàng lớn của Nhật Bản; Khởi xướng và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, vùng miền trên cả nước; Đồng thời, với vai trò là Chủ tịch 03 Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, Lào, Myanmar, BIDV đã kết nối các nhà đầu tư trong nước với thị tường khu vực... Những nỗ lực đó khẳng định vị trí của BIDV với đối tác, khách hàng. BIDV trở thành nhân tố quan trọng cần thiết trong quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài khi đến với thị trường Việt Nam.
Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, năm 2013, BIDV đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, vận hành tập trung, duy trì hoạt động liên tục, an toàn, ổn định; Kết nối thanh toán điện tử song phương với Kho bạc Nhà nước, Triển khai cung cấp Dịch vụ nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế. Cũng trong năm 2013, toàn hệ thống BIDV đã nâng cao năng lực quản trị điều hành theo mô hình tổ chức mới; Tăng cường triển khai công tác phát triển thể chế gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; Thực hiện bài bản công tác quản trị chiến lược; Cơ cấu mô hình tổ chức tiếp tục được đổi mới; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro; Nâng cao năng lực nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu...
Nỗ lực của BIDV trong năm 2013 đã được các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, tiêu biểu như: Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam, Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng, Thương hiệu quốc gia, Sản phẩm vàng - Dịch vụ vàng Việt Nam...; Các giải thưởng quốc tế như: Top 1.000 ngân hàng tốt nhất thế giới, Ngân hàng Quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng nội địa cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam, Thương hiệu nổi tiếng Asean...
Như vậy, kết thúc năm 2013, BIDV đã đạt được những kết quả toàn diện theo mục tiêu đã được Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2013 thông qua; đồng thời đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quản lý và vận hành một ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng niêm yết; củng cố niềm tin của cổ đông và tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020.
Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 2014
Đại hội đồng cổ đông 2014 đã xác định mục tiêu và các giải pháp, biện pháp của toàn hệ thống năm 2014, cụ thể: Nguồn vốn huy động, tăng trưởng 13%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng 13%; Lợi nhuận trước thuế: 6.000 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu, dưới 3%; ROA, 0,79%; ROE, 13,8%; Tỷ lệ chi trả cổ tức, không thấp hơn 9%.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, Đại hội đã thông qua 10 nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai trong năm 2014 do HĐQT đề xuất gồm: (01) Tiếp tục là công cụ hữu hiệu, đắc lực thực thi chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ, NHNN thông qua việc tập trung nguồn vốn cho vay có chọn lọc, đảm bảo cơ cấu tín dụng hợp lý, ưu tiên các ngành nghề được khuyến khích; (02) Điều hành lãi suất, tỷ giá tuân thủ quy định về chính sách tiền tệ; (03) Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tại Phương án tái cơ cấu 2013 – 2015 đã được phê duyệt; (04) Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích đủ dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; (05) Quản lý tài chính hiệu quả, tăng cường quản trị nội bộ, tiết kiệm chi phí; (06) Tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động; (07) Tiếp tục cơ cấu lại mạng lưới hoạt động, nâng cao hiệu quả mạng lưới truyền thống và mạng lưới ngân hàng điện tử; (08) Tiếp tục đổi mới phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo lực lượng lao động chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động; (09) Củng cố nâng cao hiệu quả các hiện diện thương mại, gia tăng vai trò và uy tín BIDV trên thị trường quốc tế, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - chính trị được giao phó; (10) Tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm đối với sự phát triển chung của cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội trong và ngoài nước có hiệu quả thiết thực với kế hoạch ngân sách phù hợp.
Khai hỏa cho việc thực hiện kế hoạch năm 2014, BIDV đã tạo bước ngoặt cho sự bứt phá trong thời gian tới. Điểm nhấn ấn tượng là ngày 24/01/2014 khi BIDV được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố và trao quyết định niêm yết, chào mừng ngày giao dịch chính thức 2.811.202.644 cổ phiếu BID. Với mức giá chào sàn 18.700 đồng/CP, vốn hóa thị trường của cổ phiếu BIDV chiếm hơn 5% tổng mức vốn hóa thị trường và đưa ngành ngân hàng trở thành ngành chiếm giá trị vốn hóa lớn nhất, khoảng 27% trên sàn chứng khoán tập trung. Cổ phiếu BIDV lên sàn đã tạo được những ảnh hưởng tích cực đến thị trường nói chung và chỉ số Vn-Index nói riêng, đồng thời thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đối với BIDV, việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là bước đi quan trọng sau khi BIDV đã thực hiện thành công phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông và tăng cường tính thanh khoản của cổ phiếu. Đồng thời, khi trở thành doanh nghiệp niêm yết, BIDV sẽ có thêm điều kiện để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tính minh bạch cũng như củng cố thương hiệu trên thị trường.
Cho đến nay, sau hơn 2 tháng niêm yết, mức thanh khoản cổ phiếu BIDV khá tốt với khối lượng giao dịch bình quân xấp xỉ 2 triệu đơn vị/ngày. Đáng chú ý là lượng mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó phần nào khẳng định sự tin tưởng của cộng đồng các nhà đầu tư trên thị trường với cổ phiếu BID. Việc niêm yết cổ phiếu là cơ sở để BIDV thực hiện thành công quá trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong thời gian ngắn sắp tới. Đây là những tiền đề quan trọng để BIDV thực hiện đa dạng hóa sở hữu theo lộ trình đề ra theo chủ trương của Chính phủ.
Cùng với đó, ngày 08/01/2014, BIDV đã chính thức lựa chọn Công ty TNHH Ogilvy&Mather Việt Nam, thuộc tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới WPP, làm đối tác tư vấn xây dựng Chiến lược phát triển Thương hiệu BIDV đến năm 2020. Theo đó, BIDV sẽ xây dựng hình ảnh và hệ thống các giá trị thương hiệu; Phát triển mô hình kiến trúc thương hiệu phù hợp với mô hình hoạt động và chiến lược kinh doanh; Xác định các phương thức quản trị thương hiệu chuyên nghiệp và hiệu quả... Với thế mạnh nổi trội về tư vấn chiến lược thương hiệu cho ngành tài chính ngân hàng, Ogilvy&Mather sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của BIDV theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chuẩn mực quốc tế và phù hợp với hiện trạng đa dạng trong nước.
Thành công đó cùng với giá trị văn hóa doanh nghiệp đã được bồi đắp qua 57 năm, đội ngũ nhân lực hơn 1,8 vạn người với có trình độ, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao của BIDV đang nỗ lực hết mình hoàn thành kế hoạch năm 2014 và tạo đà cho sự phát triển những năm tiếp theo.
© Bản quyền 2018 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
SĐT tiếp nhận: 19009247 (Cá nhân)/ 19009248 (Doanh nghiệp)/(+84-24) 22200588 - Fax: (+84-24) 22200399
SĐT gọi ra: 024 22200588/ 0822808588/ 0842152355/ 0763238588/ 0784132388/ 0357638588/ 0334282388/ 0357071080/ 0357041080/ 0764263180/ 0764860580/ 0942551080/ 0947591080
Email: bidv247@bidv.com.vn
Swift code: BIDVVNVX
Trang chủ
Cá nhân
Cá nhân cao cấp
Tuyển dụng