4 Rủi ro khi không thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn & Cách xử lý
"Chi tiêu trước - Trả tiền sau" là một trong những tính năng nổi bật và được nhiều người yêu thích nhất của thẻ tín dụng. Khi sử dụng thẻ, bạn sẽ được ngân hàng “cho vay” tiền để chi tiêu linh hoạt và cần trả lại số tiền này trong thời gian quy định. Bạn cần thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn để tránh phải chịu khoản phạt và một số rủi ro khác. Những rủi ro đó là gì? Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn!
1. 4 Bất lợi khi không thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn
Sau đây là 4 bất lợi nếu chủ thẻ không thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn:
1.1. Chịu phí phạt thanh toán chậm
Phí phạt trả chậm là loại phí được áp dụng khi khách hàng không thanh toán dư nợ đúng hạn. Mức phí trả chậm thường được các ngân hàng áp dụng dao động từ 4 - 5% trên tổng số dư nợ.
Ví dụ: Tính đến hết kỳ sao kê tháng 8/2022, bạn còn tổng dư nợ thẻ tín dụng là 8 triệu đồng. Ngày 20/9 là ngày bạn phải thanh toán dư nợ. Nếu đến ngày 30/9 bạn chưa thanh toán thì bạn đã bị quá hạn 10 ngày. Phí phạt thanh toán chậm mà ngân hàng áp dụng là 4%.
Như vậy, số tiền phạt trả chậm mà chủ thẻ phải chịu là:
8.000.000 x 4% = 320.000 VND
Bạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm nếu không thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn
1.2. Phải trả lãi suất cao
Nếu không thanh toán thẻ tín dụng, chủ thẻ còn phải trả lãi suất cao cho phần dư nợ trả chậm. Đó là số tiền lãi phải trả cho tổng dư nợ mà chủ thẻ chưa thanh toán sau khi hết thời gian miễn lãi (khoảng 45 - 55 ngày tùy theo quy định của mỗi ngân hàng). Lãi suất thẻ tín dụng dao động từ 16.5 - 20%/năm. Công thức tính lãi thẻ tín dụng của BIDV như sau:
Số tiền lãi = Dư nợ chịu lãi x Số ngày chịu lãi x Lãi suất năm/365
Ví dụ 1: Bạn đang sử dụng thẻ tín dụng BIDV JCB Ultimate với ngày sao kê là ngày 20 hàng tháng, lãi suất áp dụng là 20%/năm. Bạn mới mở thẻ tín dụng ngày 10/3/2024 và phát sinh giao dịch từ ngày 21/3/2024, cụ thể như sau:
Ngày 21/3/2024, bạn mua hàng tại Aeon Mall với giá trị 3 triệu đồng.
Ngày 15/4/2024, bạn mua hàng tại Shopee với giá trị 2 triệu đồng.
Ngày 20/4/2024, bạn sẽ nhận được sao kê kỳ giao dịch từ 21/3/2024 đến 20/4/2024 với tổng dư nợ là 5 triệu đồng. Ngày đến hạn thanh toán là 5/5/2024, số tiền thanh toán tối thiểu là 250.000 đồng.
- Trường hợp 1: Nếu chủ động thanh toán 5 triệu đồng chậm nhất vào ngày 5/5/2024 thì bạn sẽ không chịu bất cứ một khoản lãi/phí nào.
- Trường hợp 2: Bạn chủ động thanh toán 3 triệu vào ngày 30/4/2024 (nhỏ hơn tổng dư nợ phát sinh trong kỳ). Bạn sẽ chỉ chịu lãi với khoản dư nợ chưa thanh toán như sau:
Ngày giao dịch
|
Số tiền giao dịch
|
Số tiền trả nợ
|
Dư nợ
|
Số ngày chịu lãi đến kỳ sao kê tiếp theo (20/5/2024)
|
Số tiền lãi
= Dư nợ x Số ngày chịu lãi x lãi suất/365
|
21/3/2024
|
3.000.000
|
|
3.000.000
|
25
|
41.096
|
15/4/2024
|
2.000.000
|
|
5.000.000
|
15
|
41.096
|
30/4/2024
|
|
3.000.000
|
2.000.000
|
21
|
23.014
|
Số tiền lãi hiển thị trên sao kê ngày 20/5/2024
|
105.205
|
1.3. Giảm uy tín tín dụng, gây khó khăn trong việc vay vốn
Việc nợ quá hạn thẻ tín dụng không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bạn mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác, đặc biệt là việc bị xếp vào danh sách nợ xấu, làm giảm uy tín tín dụng của khách hàng. Danh sách "đen" này được lưu trữ tại Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và có thể ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của bạn trong tương lai.
Khi có lịch sử nợ xấu do không thanh toán thẻ tín dụng, chủ thẻ sẽ rất khó khăn khi vay hay mở thẻ tín dụng sau này
1.4. Có thể bị khởi kiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật
Chủ thẻ chậm thanh toán dư nợ thẻ tín dụng trong thời gian dài có thể bị khởi kiện. Ngân hàng sẽ gửi đơn kiện đến Tòa án và nhờ Tòa án xử lý. Nếu khách hàng và ngân hàng không thể tự thỏa thuận, Tòa án sẽ xét xử và chủ thẻ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính vì vậy, chủ thẻ nên cân đối tài chính hợp lý, kiểm soát chi tiêu tốt để thanh toán dư nợ đúng thời hạn.
Chủ thẻ tín dụng có thể bị khởi kiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình không thanh toán dư nợ thẻ tín dụng
2. Cách xử lý khi không trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn
Nếu không thanh toán dư nợ thẻ tín dụng thì tùy từng trường hợp sẽ có cách giải quyết phù hợp. Khách hàng có thể tham khảo chi tiết trong 3 trường hợp phổ biến sau:
- Trường hợp quên trả nợ vào ngày đến hạn thanh toán: Trong trường hợp quên không thanh toán dư nợ, chủ thẻ nên tiến hành thanh toán trong thời gian sớm nhất. Thanh toán càng muộn thì số tiền lãi và phí phạt càng tăng.
- Trường hợp trả chậm do dịch bệnh, thiên tai: Chủ thẻ cần thông báo đến ngân hàng phát hành thẻ tín dụng để được ngân hàng sẽ xem xét và đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính như:
- Giảm hoặc tạm hoãn thanh toán dư nợ tối thiểu hàng tháng
- Miễn hoặc hoàn trả phí trả chậm
- Giảm lãi suất thẻ tín dụng
- ...
- Trường hợp không có đủ khả năng trả nợ: Chủ thẻ hãy đến trực tiếp ngân hàng để được tư vấn. Ngân hàng sẽ đưa ra các giải pháp tài chính để hỗ trợ khách hàng trả nợ như trả góp định kỳ,.. giúp khách hàng giảm bớt gánh nặng về số tiền phải trả ngân hàng.
Nếu không đủ khả năng trả nợ, bạn hãy chủ động đến trực tiếp ngân hàng để được tư vấn, hỗ trợ
3. Mẹo kiểm soát nợ thẻ tín dụng hiệu quả
Để sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả và hạn chế tình trạng mất khả năng thanh toán dư nợ, chủ thẻ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Thanh toán ở mức tối thiểu: Chủ thẻ nên thanh toán dư nợ ở mức tối thiểu đúng hạn (thường là 5% tổng dư nợ). Điều này giúp chủ thẻ tiết kiệm chi phí tiền lãi, phí phạt trả chậm và không bị liệt kê vào danh sách nợ xấu.
- Kiểm tra sao kê kỹ lưỡng để tránh sai sót: Đến cuối kỳ sao kê, chủ thẻ nên kiểm tra lại số tiền trong bản sao kê để tránh sai sót và cân đối số tiền cần phải thanh toán.
- Cẩn trọng với các nhắc nhở thu nợ: Ngân hàng chỉ nhắc nhở khách hàng thanh toán dư nợ thông qua tin nhắn SMS và email sao kê chính thống của ngân hàng. Khi thấy các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số lạ nhắc nhở trả nợ, khách hàng cần liên lạc lại theo số Hotline của ngân hàng để xác thực thông tin, tránh bị kẻ gian lợi dụng.
- Tận dụng thời gian miễn lãi của thẻ tín dụng: Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng thời gian miễn lãi thẻ tín dụng là 45 - 55 ngày. Thời gian miễn lãi sẽ được tính từ đầu kỳ sao kê. Do vậy, để tận dụng tối đa thời gian miễn lãi, chủ thẻ nên chi tiêu ở những ngày đầu kỳ sao kê.
Bạn nên tận dụng tối đa thời gian miễn lãi thẻ tín dụng để chi tiêu hiệu quả hơn
Như vậy, không thanh toán thẻ tín dụng khiến chủ thẻ gặp khá nhiều bất lợi như không được hưởng chính sách miễn lãi cho kỳ tiếp theo, chịu khoản phí thanh toán chậm, lãi suất thanh toán chậm,... Vì vậy, chủ thẻ cần thanh toán dư nợ tín dụng đúng hạn để tận hưởng tối đa lợi ích của thẻ tín dụng. Để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng, chủ thẻ vui lòng truy cập website www.bidv.com.vn hoặc liên hệ với BIDV qua hotline 1900 9247, các điểm giao dịch BIDV trên toàn quốc để được hỗ trợ nhanh chóng, chính xác.