Nhiều người nói phải có duyên mới đến được đất Tây Tạng, vùng đất Phật linh thiêng với 14 đời Dalai Lama cùng nhiều tượng Phật quý từ hơn 2.500 năm trước.
Đất Tây Tạng - khắc nghiệt, thiêng liêng
Ở độ cao từ 3.800m đến hơn 5.000m so với mực nước biển, vùng đất này quanh năm lạnh, khô cằn. Núi toàn đá với cát, ngoài một số cây bụi nhỏ, hàng trăm ngàn ngọn núi cứ trơ trọc, lởm chởm đá nhỏ, to. Nhìn từ xa xa, những con bò yak lông dài, bò, cừu đứng gặm cỏ khô, từng đốm đen như những lùm cây bụi trên triền đồi rộng lớn.
Mùa hè 2019, lần đầu tiên Tây Tạng có mùa hè sau 30 năm, do biến đổi khí hậu, buổi trưa trời nóng không thể tưởng, không khí khô khốc. Đến hơn 19 giờ tối mặt trời vẫn còn chói chang. Thế mà mặt trời chỉ lặn vài tiếng là khí lạnh kịp tràn về. Thời tiết khắc nghiệt, ở độ cao nóc nhà thế giới, không khí loãng, khí oxy ít, vì vậy người đến Tây Tạng được khuyên phải uống trước vài loại thuốc để có sức khỏe tốt hơn như thuốc chống sốc độ cao, hoạt huyết dưỡng não…
Ngoài ra du khách còn luôn được nhắc: đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Lúc đầu ai cũng nghĩ đến vùng đất Phật phải nghiêm trang như vậy, nhưng không, phải luôn nhẹ nhàng để giữ dưỡng khí, các bình oxy lúc nào cũng được mang theo phòng khi du khách quá mệt.
Lúc đầu do chưa quen độ cao, chưa quen không khí loãng, lại muốn thử sự thích nghi của cơ thể nên khoang nhờ thuốc, thế là đang khỏe bỗng nghe tay chân bủn rủn, đầu đau kinh khủng, chỉ muốn nằm. Cái mệt do cơ thể thiếu oxy rất lạ, chỉ cần bước hơn chục bước là người mệt, thở dốc, tưởng chừng sắp xỉu nhưng chỉ cần bạn đứng lại hít thở thật sâu vài hơi là mọi thứ lại bình thường. Vậy nên lúc nào cũng phải nhớ đến hơi thở nếu muốn khỏe để tiếp tục chuyến đi.
Kiến trúc ở Tây Tạng mang màu sắc của vùng sa mạc khi các đền chùa được xây dựng từ đất, đá, gỗ và trang trí bằng vải, len lông bò yak…Nhà của người Tạng mái bằng phẳng như chiếc hộp, cửa sổ, cửa đi vuông vức. Vùng đất của bò, cừu, dê và lúa mạch, loại lúa trồng được ở vùng khô rất quý trọng sản phẩm nông nghiệp, người ta đến chùa với thùng sữa, túi lúa mạch hay bình thủy đựng dầu, bơ. Bơ được dùng để lau sàn, lau cột trong chùa, bơ được đổ vào các bể thắp đèn, bơ làm đèn cầy thắp…
Đến chùa Jokhang, cung điện Potala không khỏi ngạc nhiên khi những tượng phật từ hơn 2.500 năm vẫn còn lưu giữ. Các bảo tháp (stupa) lưu giữ xá lợi hay nhục thân, nhục cốt của các đời Dalai Lama hay Panthion Lama từ thế kỷ thứ 7. Hàng ngàn tạng kinh được gói, cất giữ kỹ càng trong từng ngăn hộc. Đến nơi này mới cảm nhận rõ dòng truyền thừa của Phật từ hơn 2.500 năm trước chưa bao giờ ngắt quãng.
Người Tây Tạng – sống cho kiếp sau
Người dân địa phương đến đền, chùa rất đông, mùa đông khi không ra đồng được, cả ngày họ ở chùa lạy Phật. Kiểu lại ngũ thể nhập thổ: tứ chi và trán, cằm, ngực chạm đất, một sợi dây cột lỏng ở gối, quỳ xuống, tay chạm đất rồi trườn tới khi cả thân nằm sấp xuống đất, gần giống như Chào mặt trời trong Yoga. Mỗi ngày họ có thể lạy vài trăm cái như vậy để cầu nguyện cho …kiếp sau.
Đi bộ ngoài đường họ vừa lâm râm đọc kinh vừa lần tràng hạt. Xứ Tây Tạng là xứ của Mật tông, thần chú. Có thể thấy trên các nóc nhà hoặc trên đồi núi, họ treo cờ phướn xanh, đỏ, trắng, vàng đủ màu, đến gần thấy trên các phướn ghi đầy kinh, chú, mong ước làn gió sẽ đưa những lời tốt đẹp này đến với khắp mọi người trên đất nước.
Ra khỏi Lhasa, dễ dàng tìm thấy trên các vách núi vô số hình vẽ chiếc thang, đấy là “nấc thang lên thiên đường”. Tục rằng người chết ở vùng quê không an táng được do đất toàn đá, thủy táng thì ô nhiễm nguồn nước, hỏa táng cũng không đủ củi, vậy là họ thiên táng. Người quá cố được khiêng lên núi để đấy cho kền kền lo hậu sự.
Có vài người miền xuôi chứng kiến cảnh này ngất xỉu, nhưng với người Tạng thì không, cái chết với họ thật nhẹ nhàng, họ đã chuẩn bị cho cuộc sống sau cái chết từ rất lâu. Chết đi để có thân xác tốt hơn ở kiếp sau nên chỉ cần làm thế nào cho thuận tiện, dễ dàng nhất.
Đất nước Tạng khô cằn, thiếu nước nhưng không vì vậy mà họ khai thác các nguồn nước bừa bãi. Tây Tạng không có biển, nhưng họ có 4 hồ thiêng là những hồ nằm trên độ cao gần 5.000m so với mực nước biển, xanh thẩm màu trời, đẹp lung linh. Nước trong vắt, người ta chỉ khoác nước rửa mặt, rửa tay, ngoài ra không làm vấy bẩn nước hồ thiêng.
Hồ thiêng cũng là nơi Panthion Lama đến để tìm hóa thân của Dalai Lama đời trước nên người Tạng càng phải giữ gìn sự trong trẻo, tinh khiết của hồ. Những câu chuyện về 14 đời Dalai Lama tiếp nối hóa thân luôn làm cả thế giới vừa nghi ngờ vừa cảm phục. Dalai Lama đời thứ 14 sống lưu vong cũng là nỗi đau buồn của người dân Tạng, họ cầu nguyện mong mỏi đến ngày Ông trở về nhưng chắc ngày ấy còn rất xa.
Rời Tây Tạng mang theo chút nỗi buồn dân tộc. Những chú chiến ngao, loại chó hung dữ, bờm dày như sư tử, từng tung hành ngang dọc mở rộng bờ cõi cho Tây Tạng, giờ đây ngồi lặng lẽ cho du khách chụp hình.
Người dân Tạng hiền lành, không ăn con vật dưới nước, trên trời, làn da sạm nắng lầm lũi cầu kinh, lần hạt, đổ chút bơ của mình mong sáng mãi ngọn đèn Tam bảo, miệt mài lạy ngũ thể nhập thổ mong cầu cho kiếp sau. Gương mặt họ rạng ngời khi nhắc về những lời hát ngân nga, bay bổng do Đức Dalai Lama thứ 6, cách họ vài trăm năm sáng tác.
Những giai điệu, ca từ dù không hiểu ý nghĩa nhưng cũng đủ mang lại cho người nghe cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, bồng bềnh. Cuộc sống đúng là nhẹ nhàng như một hơi thở mà thôi.
Xem thêm: