Quá trình phát triển

    • Ngày 26/4/1957, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (tiền thân của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BIDV) chính thức được thành lập. BIDV tự hào là ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Lịch sử xây dựng và phát triển của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là một chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào gắn với từng thời kỳ lịch sử bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam...
    • Lịch sử Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có 4 lần thay đổi tên gọi phù hợp với từng thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước
    • 1957 - 1981: Ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam
    • 1981 – 1990: Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam
    • 1990 – 2012: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
    • 2012 – nay: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
    • Lịch sử Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có 4 lần thay đổi tên gọi phù hợp với từng thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước
    • 1957 - 1981: Ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam
    • 1981 – 1990: Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam
    • 1990 – 2012: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
    • 2012 – nay: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

1957 - 1981

1957 - 1981

Ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam

Giai đoạn “Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam” trực thuộc Bộ Tài chính (1957 - 1981) với chức năng chính là hoạt động cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản theo nhiệm vụ của Nhà nước giao, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. ...

Ngày 26/4/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 177/TTg v/v chuyển Vụ Cấp phát vốn Kiến thiết cơ bản thảnh Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, thuộc Bộ tài chính. Đây chính là “Giấy khai sinh” của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam tiền thân của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày nay. Sự ra đời của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam gắn với yêu cầu phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng miền Bắc, trong điều kiện đất nước vừa được giải phóng, hòa bình được lập lại nhưng hai miền vẫn bị chia cắt. Nhiệm vụ cơ bản nhất của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam thời kỳ này là làm một cơ quan chuyên trách việc cấp phát, quản lý toàn bộ số vốn do ngân sách nhà nước cấp dành cho đầu tư kiến thiết cơ bản được thực hiện theo kế hoạch và dự toán của Nhà nước. Ngày đầu thành lập, mô hình tổ chức hoạt động của Ngân hàng Kiến thiết còn đơn giản với 8 bộ phận và 12 chi nhánh (gồm các chi nhánh: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hải Phòng, khu Hồng Quảng, Tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh Phú Thọ, Tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh Lào Cai, Tỉnh Hải Dương, Tỉnh Nam Định, Tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh Nghệ An, Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Đường sắt). Tổng số cán bộ chỉ có khoảng 200 người.

Trong khoảng 25 năm đầu thành lập, nhiệm vụ cốt lõi của Ngân hàng Kiến Thiết trải qua 3 thời kỳ: thời kỳ phục vụ “kiến thiết” đất nước trong điều kiện hòa bình; thời kỳ vừa phục vụ yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam; thời kỳ cả nước thống nhất, hòa bình, phục vụ công cuộc khôi phục sau chiến tranh, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống sản xuất của nhân dân miền Bắc khi đó đã được xây dựng nên từ những đồng vốn cấp phát của Ngân hàng Kiến Thiết như: Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải – công trình đại thủy nông đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn hecta lúa trên những cánh đồng phì nhiêu của đồng bằng Bắc bộ, đem lại những mùa vàng bội thu; Góp phần phục hồi và xây dựng các hầm lò ở Quảng Ninh, Bắc Thái, Nhà máy xi măng Hải Phòng, những tuyến đường sắt huyết mạch... góp phần xây dựng lại Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ, Uông Bí, Vinh, xây dựng Đài Phát thanh Mễ Trì, các trường Đại học hàng đầu như Bách Khoa, Kinh tế kế hoạch (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Đại học Thủy lợi... cùng những công trình giao thông vận tải, ống dẫn dầu chi viện cho tuyến lửa...

Sau khi nước nhà thống nhất, từ nguồn vốn cấp phát do Ngân hàng Kiến Thiết thực hiện, hàng loạt công trình quan trọng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh đã được xây dựng trên cả hai miền đất nước vừa thống nhất, trong đó có nhiều công trình quan trọng như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy đường La Ngà, cầu Chương Dương, Nhà máy thủy diện Đa Nhim, xi măng Hà Tiên, Hồ thủy lợi Dầu Tiếng (Tây Ninh), Khu công nghiệp dầu khí Vũng Tàu, Công ty thép miền Nam...

Đến đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Hệ thống Ngân hàng Kiến Thiết đã tổ chức được một mạng lưới rộng khắp với 38 chi nhánh/39 tỉnh thành cả nước, 2 chi nhánh công trình trọng điểm, hàng chục chi nhánh cấp 2 (chi điếm), hợp thành mạng lưới rộng khắp cả nước. Vào thời điểm đó, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam là hệ thống ngân hàng có mạng lưới nhiều nhất, rộng nhất, chỉ sau Ngân hàng Nhà nước. Tổng số cán bộ thời kỳ này là khoảng 3000 người.

1981 - 1990

1981 - 1990

Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam

Giai đoạn “Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam” gắn với một thời kỳ sôi nổi của đất nước - chuẩn bị và tiến hành công cuộc đổi mới (1981 - 1990), thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ nền kinh tế, cùng với cả nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường. ...

Ngày 24-6-1981, Hội đồng Chính phủ đã có quyết định số 259-CP về việc chuyển Ngân hàng Kiến thiết trực thuộc Bộ Tài chính sang trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và đổi tên mới là “Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam”.

Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản về cơ chế vận hành, phương thức hoạt động, đó là: không còn thuộc hệ thống tài khóa - ngân sách “cấp phát”, hoạt động theo cơ chế “bao cấp” mà chuyển dần sang hệ thống tài chính - ngân hàng, thực hiện các hoạt động tín dụng để phục vụ nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam hoạt động như một ngân hàng chuyên doanh, hoạt động về cấp phát, tín dụng, thanh toán và dịch vụ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp phát vốn hoạt động ban đầu, hạch toán kinh doanh từ cơ sở và toàn hệ thống. Trong giai đoạn 1981 - 1990, Ngân hàng hoạt động chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm trong việc cấp phát vốn; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước về xây dựng cơ bản. Vai trò của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thời kỳ này giống như “vọng gác thứ bảy” - vọng gác cuối cùng trong cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Năm 1988, cùng với Nghị định 53 - Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 43-NH/QĐ, đánh dấu thời điểm toàn ngành ngân hàng thực hiện công cuộc đổi mới theo hướng chuyển sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Đây cũng là thời kỳ Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam trải qua những thời khắc khó khăn khi hệ thống bị thu hẹp, phải chuyển giao 22 chi nhánh cho Ngân hàng chuyên doanh khác.

Trong giai đoạn này, các quan hệ tín dụng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được mở rộng, vai trò tín dụng được nâng cao. Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam đảm bảo cung ứng vốn lưu động cho các tổ chức xây lắp, khuyến khích các đơn vị xây lắp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tiến kỹ thuật, mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường chế độ hạch toán kinh tế. Nhiều công trình to lớn, có “ý nghĩa thế kỷ” của đất nước như: công trình thủy điện Sông Đà, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, nhà máy đóng tàu Hạ Long... đã được hình thành từ những đồng vốn của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam.

1990 - 2012

1990 - 2012

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Giai đoạn “Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam” gắn với quá trình chuyển đổi của BIDV từ một ngân hàng chuyên doanh sang hoạt động theo cơ chế của một ngân hàng thương mại, tuân thủ các nguyên tắc thị trường và định hướng mở cửa của nền kinh tế. ...

Lịch sử hoạt động của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam giai đoạn này có thể chia thành 2 thời kỳ: Thời kỳ 1990 -1995: Bắt đầu đổi mới chuyển sang hoạt động theo cơ chế của một Ngân hàng thương mại; Thời kỳ 1995 -2012: BIDV mở rộng hoạt động, xây dựng tích lũy nội lực, hội nhập quốc tế.

Ngày 14/11/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 401/CT về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên cơ sở đổi tên Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam. Với lần đổi tên thứ ba này, BIDV đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong chức năng hoạt động thực tế, trong vai trò đối với nền kinh tế mà BIDV đảm nhiệm: chuyển từ giai đoạn đầu tư chỉ đơn giản là “xây dựng” sang một trạng thái chất lượng mới - đầu tư để “tăng trưởng, để thúc đẩy “phát triển”. BIDV không đơn thuần cung ứng một loại dịch vụ phục vụ hoạt động xây dựng mà đã chuyển sang đóng vai trò “động lực thúc đẩy phát triển”.

Trong thời kỳ này, BIDV đã chuyển sang phương thức hoạt động mới là “đi vay để cho vay” nên trọng tâm là huy động vốn trong và ngoài nước để cho vay các dự án sản xuất kinh doanh theo kế hoạch nhà nước, cứu sản xuất khỏi tình trạng thiếu vốn khi Nhà nước đã chấm dứt cấp phát không hoàn lại cho các doanh nghiệp.

Thành quả đầu tiên mà BIDV đạt được từ sau khi có hai pháp lệnh về ngân hàng và Điều lệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển là việc hoàn thiện hệ thống tổ chức trong phạm vi cả nước. Đó là cơ sở để BIDV phát huy sức mạnh, tính năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động nghiệp vụ của mình và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Mở rộng và đa dạng hóa nguồn vốn: BIDV đã có nhiều sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng bằng cách đưa ra những sản phẩm huy động vốn lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam giai đoạn đó như: huy động vốn dân cư bằng các sản phẩm Huy động kỳ phiếu VNĐ và USD; Huy động kỳ phiếu bảo đảm giá trị theo giá vàng; Phát hành trái phiếu;... BIDV cũng có nhiều sáng tạo hiệu quả trong việc huy động các nguồn vốn nước ngoài bằng các khoản vay từ các ngân hàng và công ty tài chính quốc tế dưới nhiều hình thức: Vay tài chính, vay thông qua các hiệp định, tài trợ xuất, nhập khẩu, hạn mức tài trợ tín dụng thư... Với chính sách tạo vốn hiệu quả, từ nguồn vốn chỉ có 300 tỷ đồng năm 1990, BIDV đã huy động được nguồn vốn lên tới 25.000 tỷ đồng, đủ đáp ứng cho dư nợ đầu tư phát triển. BIDV cũng huy động được nguồn vốn ngoại tệ lên tới gần 500 triệu USD, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu thiết bị, vật liệu từ các kênh vay vốn...

Tiếp tục đảm đương nhiệm vụ cấp phát cho các công trình, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản do Nhà nước chỉ định.

Thực hiện một loạt các cơ chế mở rộng tín dụng, đáp ứng các nhiệm vụ bao gồm: Cho vay các dự án kế hoạch Nhà nước, Cho vay dài hạn theo kế hoạch nhà nước với lãi suất ưu đãi, Cho vay xây lắp, cho vay ngoài quốc doanh;...

Phát triển Công nghệ thông tin: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bắt đầu tiếp cận với Công nghệ thông tin, từng bước ứng dụng vào trong hoạt động của Ngân hàng. BIDV đã thành lập Phòng Công nghệ thông tin với cơ sở vật chất công nghệ thời kỳ đầu này có 8 máy tính với hai máy tại Hội sở chính, 2 máy tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội, 4 máy tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Thiết lập quan hệ quốc tế: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bắt đầu thiết lập các quan hệ hợp tác quốc tế, mở đầu cho việc huy động các nguồn vốn ngoại tệ sau này.

Thành lập Ngân hàng Liên doanh VID-Public với Malaysia: Một trong những sự kiện đánh dấu bước đột phá trong hoạt động kinh doanh đối ngoại trong giai đoạn này là việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ký hợp đồng với Ngân hàng Public Bank Berhard Malaysia để thành lập Ngân hàng liên doanh VID-Public, trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Ngân hàng được thành lập với số vốn điều lệ là 10.000.000 USD, tỷ lệ góp vốn là 50/50. VID - Public Bank được đánh giá là một trong những ngân hàng liên doanh với nước ngoài hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam.

Từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao khả năng tiếp thị với các ngân hàng thế giới: BIDV đã tạo được hình ảnh và uy tín đối với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, ký kết được các hiệp định tài trợ xuất, nhập khẩu hạn mức tín dụng, bảo lãnh cho các doanh nghiệp để vay vốn nước ngoài. Sự kiện đầu tiên đáng ghi nhớ trong hoạt động đối ngoại của BIDV là năm 1992, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được giao cho vay ủy thác khoản ODA đầu tiên của Chính phủ Italia, trị giá 58,5 triệu Lia. Từ năm 1994 trở đi, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bắt đầu được nhận ủy thác cho vay lại trong nước đối với nhiều nguồn vốn khác của các nước Đức, Pháp, Hà Lan, Thái Lan...

Xây dựng thương hiệu và biểu tượng thương hiệu Ngân hàng: Cùng với việc thiết lập các hoạt động quan hệ đối ngoại, thương hiệu và biểu tượng thương hiệu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã ra đời trong giai đoạn này. Ngày 25-9-1991, Logo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV lần đầu tiên chính thức được công bố ở Malaixia trong dịp ký kết thành lập Ngân hàng liên doanh Vid-Publich Bank. Biểu tượng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bao gồm những chữ cái đầu tiên tên tiếng Anh của ngân hàng: BIDV. Ba chữ IDB được bố trí thành một khối chặt chẽ lồng ghép nhau với chữ D màu xanh - biểu tượng của tương lai, hy vọng và phát triển. Chữ I màu đỏ - màu cờ Tổ quốc Việt Nam. Chữ B được lồng ghép từ chữ I và chữ D có hai màu xanh đỏ. Chữ V có màu đỏ của cờ Tổ quốc. Kể từ khi ra đời, biểu tượng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là niềm động viên, niềm tự hào của cán bộ, công nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, là niềm tin yêu, sự quen thuộc đối với người dân, đối với khách hàng trong nước và cả bạn bè trên thế giới.

Đến cuối năm 1994, trước khi chuyển đổi cơ chế hoạt động, mặc dù có thời điểm tưởng như không còn tồn tại, BIDV đã vươn lên mạnh mẽ, xây dựng được một hệ thống vững chắc để ngày càng phát triển. Tổng số vốn huy động của BIDV đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt uy động vốn vượt bậc, đạt 1.743 tỉ đồng, tăng 13,2 lần so với năm 1990, dư nợ 1.543 tỷ đồng. Toàn hệ thống có 52 chi nhánh tại khắp các tỉnh thành với 3.400 cán bộ.

Thời kỳ 1995 - 2012

Ngày 8/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 654/QĐ-TTg v/v chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ cấp phát vốn đầu tư phát triển của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sang Tổng cục Đầu tư và Phát triển thuộc Bộ Tài chính.

Ngày 18/11/1994, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kí quyết định số 293/QĐ-NH9 về việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được phép kinh doanh đa năng, tổng hợp như một ngân hàng thương mại, phục vụ chủ yếu cho đầu tư phát triển đất nước. BIDV chính thức bắt đầu hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại. Kể từ đây, BIDV bắt đầu chuyển đổi hoạt động và vươn lên mạnh mẽ, trở thành một ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. BIDV chuyển sang giai đoạn mở rộng hoạt động kinh doanh đa năng, đa lĩnh vực, khẳng định thương hiệu và vị thế ngày càng vững chắc trên thị trường tài chính, ngân hàng.

Trong giai đoạn này, nhất là từ năm 1996, BIDV đã từng bước xoá thế “độc canh tín dụng” trong hoạt động ngân hàng, tập trung huy động vốn, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, tăng dần tỷ trọng thu từ dịch vụ và kinh doanh tiền tệ, bắt đầu phát triển mạnh mẽ các hoạt động ngân hàng bán lẻ. Đây là thời kỳ BIDV đã triển khai rất nhiều quyết sách sáng tạo, riêng có trong hệ thống các tổ chức tín dụng thời điểm đó. BIDV đã áp dụng các chính sách như bài toán lãi suất hòa đồng, bài toán tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển; chính sách cây sản phẩm phục vụ trọn gói đầu tư phát triển; Hợp tác toàn diện với các Tổng công ty; chương trình tín dụng và dịch vụ theo các chương trình kinh tế lớn của đất nước như: đầu tư vùng kinh tế trọng điểm đầu tư vào các khu công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế vùng miền như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung...

Công tác nguồn vốn: Trong giai đoạn 1995 - 2012, BIDV đã có bước tăng trưởng huy động vốn vượt bậc. Năm 1995, số dư huy động vốn đạt 3.605 tỉ đồng thì đến năm 2012, huy động vốn của BIDV đạt 285,6 ngàn tỷ đồng, gấp gần 80 lần so với thời điểm năm 1995.

Hoạt động tín dụng: BIDV đã thực hiện chính sách kinh doanh tổng hợp, đa năng, tích cực và linh hoạt, lấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khách hàng làm mục tiêu, góp phần phát triển đất nước. Ngân hàng đã tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, hiệu quả cao theo các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời mở rộng tín dụng đối với các thành phần kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. Thay đổi quan trọng nhất về tín dụng là Ngân hàng từ chỗ chủ yếu cho vay các dự án theo kế hoạch của Nhà nước hằng năm đã chuyển sang tự tìm kiếm các dự án theo các chương trình, mục tiêu kinh tế trọng điểm của Đảng và Nhà nước. Doanh số cho vay đầu tư và phát triển của BIDV liên tục tăng lên, năm sau gấp đôi năm trước. Bên cạnh đó BIDV thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư của Chính phủ trong giai đoạn nền kinh tế suy giảm. Năm 1995, dư nợ tín dụng của BIDV là khoảng 3.700 tỷ đồng. Đến đầu năm 2012, Dư nợ tín dụng trước DPRR đạt 293,9 ngàn tỷ đồng.

Cùng với tăng trưởng về quy mô, nền khách hàng doanh nghiệp ngày càng được mở rộng. Giai đoạn này, tổng số lượng khách hàng doanh nghiệp tại BIDV là 78.420 khách hàng. Trong đó, số khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 55%. BIDV đã có quan hệ với 86 tập đoàn, tổng công ty, chiếm trên 80% tổng số văn phòng Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thành viên của cả nước.

Đây là thời kỳ BIDV thực hiện mở rộng kinh doanh đa năng, đa lĩnh vực, thực hiện đầu tư, mở rộng hoạt động trong rất nhiều ngành nghề lĩnh vực với nhiều kết quả nổi bật.

Cùng với việc phát triển các hoạt động kinh doanh ngân hàng thương mại, BIDV tiến hành các hoạt động đầu tư thông qua việc thành lập các công ty con, công ty liên doanh qua đó hình thành mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng với các trụ cột là ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư tài chính.

BIDV là ngân hàng đi tiên phong trong việc đầu tư mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế. BIDV đã tiến hành đầu tư ra nước ngoài ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán với việc lần lượt thành lập các hiện diện, chi nhánh/góp vốn thành lập các đơn vị liên doanh tại các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, tiến dần đến các thị trường châu Âu bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Séc. Trong quá trình đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, BIDV đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối đưa dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam, mở đường và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, góp phần bồi đắp quan hệ kinh tế, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

BIDV đã thực hiện đầu tư góp vốn thành lập hàng loạt các công ty liên doanh, đơn vị thành viên trong nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau, trong đó, có nhiều lĩnh vực BIDV đóng vai trò tiên phong trong việc mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư toàn diện với các đối tác trong và ngoài nước. Việc mở rộng các lĩnh vực đầu tư, hợp tác trong nước và quốc tế đã nâng cao vị thế của BIDV trên thị trường trong nước và quốc tế.

Năm 1998, BIDV thành lập công ty cho thuê tài chính BLC, thêm một kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn.

Năm 1999, BIDV lần lượt thành lập các đơn vị liên doanh/công ty thành viên bao gồm: Công ty liên doanh bảo hiểm Việt - Úc QBE (góp vốn liên doanh với Công ty Bảo hiểm Úc QBE); BIDV thành lập công ty chứng khoán BSC - là công ty chứng khoán đầu tiên của ngành ngân hàng tham gia kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, là một trong hai công ty chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 21/6/1999, BIDV góp vốn với Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt, biểu tượng của tình hữu nghị sâu sắc giữa hai đất nước Việt Nam – Lào; là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Lào. Đến nay, Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt đã phát triển lớn mạnh, là Ngân hàng có quy mô lớn thứ 3 tại thị trường Lào.

Năm 2001, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BAMC) được thành lập.

Năm 2004, BIDV góp vốn cùng các ngân hàng TMNN và Ngân hàng cổ phần cùng Công ty Điện toán và Truyền số liệu (trực thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT) thành lập Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknet).

Ngày 06 tháng 7, năm 2005, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được Cơ quan đăng ký sáng chế và thương hiệu của Mỹ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu trên lãnh thổ Mỹ.

Năm 2005, một loạt công ty liên doanh và công ty thành viên của BIDV được thành lập: Công ty liên doanh Tháp BIDV; Công ty liên doanh quản lý đầu tư Việt Nam – Partner (BVIM); BIDV thành lập công ty Bảo hiểm BIC (trên cơ sở mua lại toàn bộ phần vốn nước ngoài tại công ty liên doanh Bảo hiểm Việt –Úc QBE - trở thành ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên mua lại phần vốn góp của công ty nước ngoài trong liên doanh. Đặc biệt, BIC còn mở rộng hoạt động sang cả ba nước Đông Dương thông qua việc góp vốn liên doanh vào Công ty Bảo hiểm Lào - Việt (LVI) và Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI). BIC là Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đầu tiên có mạng lưới hoạt động trên địa bàn này.

Năm 2006: Thành lập Ngân hàng liên doanh Việt- Nga trên cơ sở liên doanh với Ngân hàng Ngoại thương Nga VTB.

Năm 2007: BIDV góp vốn cùng Tổng công ty Hàng Không Việt Nam thành lập Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam VALC; Thành lập Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC).

Năm 2008: BIDV thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế tại Hồng Kông (BIDVI).

Năm 2009: BIDV khai trương các hiện diện thương mại tại Campuchia, bao gồm: Văn phòng đại diện, Công ty Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDCC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC).

Năm 2010: BIDV khai trương Văn phòng đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam tại Myanmar; Thành lập công ty chứng khoán Campuchia CVS; Khai trương Công ty cổ phần Tài chính IDCC châu Âu tại Cộng hòa Séc. Thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển quốc tế (II DC).

Đến cuối năm 2012, BIDV đã có 5 công ty trực thuộc gồm: Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Công ty Cho thuê tài chính (BLC) được hợp nhất từ Công ty Cho thuê tài chính BIDV và Công ty Cho thuê tài chính II BIDV, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV (BAMC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế BIDV tại Hồng Kông (BIDVI).

Minh bạch thông tin: Năm 2006, BIDV là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam thuê tổ chức định hạng hàng đầu thế giới Moody’s thực hiện định hạng tín nhiệm cho BIDV và đạt mức trần quốc gia. BIDV cũng là Ngân hàng chủ động thực hiện kiểm toán liên tục từ 1996 do công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Earn & Young thực hiện.

Phát triển công nghệ thông tin: BIDV đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, được ứng dụng trên hầu hết trong hoạt động kinh doanh, quản lý với tỷ lệ trên 95% nghiệp vụ ngân hàng và tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ, tiện ích. BIDV đã xây dựng được cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có khả năng sẵn sàng cao đáp ứng yêu cầu ứng dụng các giải pháp ngân hàng hiện đại: BIDV là ngân hàng đầu tiên có Trung tâm Công nghệ thông tin dự phòng thảm họa đạt tiêu chuẩn khu vực. Trong 4 năm liền (2007 - 2010) BIDV được Hội tin học Việt Nam đánh giá là Ngân hàng hàng đầu về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng Công nghệ thông tin trong khối Ngân hàng thương mại (Vietnam ICT Index), là ngân hàng thương mại duy nhất trong khối các ngân hàng thương mại Việt Nam liên tục trong 4 năm giữ vị trí hàng đầu.

Chuyển hướng kinh doanh tập trung phát triển hoạt động bán lẻ: Song song với chuyển đổi mô hình tổ chức, BIDV đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh và mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa trên hoạt động tài trợ các dự án lớn, khách hàng lớn (bán buôn) sang việc phát triển các sản phẩm ngân hàng bán lẻ hiện đại phục vụ cho đối tượng khách hàng cá nhân trên cơ sở khai thác công nghệ thông tin và trình độ quản trị ngân hàng cập nhật với các ngân hàng của khu vực và quốc tế.

Phát triển mạng lưới kênh phân phối truyền thống và kênh phân phối hiện đại: hệ thống ATM của BIDV đạt gần 1.300 máy phân bổ khắp các tỉnh thành trong cả nước, và 1.692 POS, số lượng thẻ ATM phát hành đã tăng lên gần 3 triệu thẻ, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 45%, đứng Top 5 về thị phần thẻ ở Việt Nam.

Thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt: Trong giai đoạn này, BIDV là ngân hàng duy nhất được Chính phủ Việt Nam tin tưởng giao thực hiện những nhiệm vụ kinh tế chính trị đặc biệt. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh và phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế, thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào, BIDV đã hợp tác với Ngân hàng Đại chúng Ngoại thương Lào (BCEL) thành lập Ngân hàng liên doanh Lào – Việt, trở thành cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Lào; BIDV đã thực hiện thành công việc xử lý thu hồi tài sản thế chấp, cầm cố, thu hồi nợ vay của Ngân hàng TMCP Nam Đô, giảm bớt tổn thất cho nhân dân, Nhà nước, khẳng định được vị thế, sự tín nhiệm của Nhà nước, nhân dân dành cho BIDV. BIDV cũng hoàn thành tốt nhiệm được Chính phủ giao trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai lũ lụt, cho vay thu mua tạm trữ lương thực, hỗ trợ ngành cà phê...

Thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng, chuẩn bị cho bước chuyển đổi sang mô hình Ngân hàng Thương mại cổ phần: Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, BIDV đã khẩn trương tiến hành các thủ tục chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, (IPO), Ngày 28-12-2011, BIDV đã tiến hành cổ phần hóa thông qua việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Kết quả: các nhà đầu tư đã đặt mua 1.66 lần so với lượng cổ phiếu lần đầu bán ra, mức giá thành công bình quân là 18.583 đồng/cổ phần với tổng khối lượng cổ phần là 84.754.146 cổ phần. Thu về cho Nhà nước số tiền 1.575 tỷ đồng và được đánh giá là phiên đấu giá thành công nhất trong điều kiện thị trường xấu nhất, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán trong tương lai. Sự kiện IPO BIDV được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2011.

Công tác phát triển thương hiệu: BIDV thực hiện tái định vị thương hiệu gắn với hoạt động kinh doanh. Hoàn thiện những giá trị cốt lõi, các yếu tố nhận diện thương hiệu để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đồng nhất trong toàn hệ thống. Năm 2006, BIDV công bố Slogan là “Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công” (Share opportunities, share success), thể hiện cam kết của BIDV sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng với các khách hàng, hợp tác mang lại lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng. Năm 2009, BIDV đã thực hiện hiệu chỉnh Logo Ngân hàng và ban hành bộ cẩm nang nhận diện thương hiệu của BIDV với trên 70 hạng mục ứng dụng sử dụng trong mọi hoạt động kinh doanh, truyền thông quảng bá thương hiệu. Màu sắc nhận biết thương hiệu của Ngân hàng là ba màu: Xanh, Đỏ và Trắng. Trong quá trình mở rộng thương hiệu trong các lĩnh vực kinh doanh và phát triển thương hiệu ra thị trường nước ngoài, các đơn vị thành viên, liên doanh xây dựng biểu tượng thương hiệu riêng đều có các yếu tố trong biểu tượng thương hiệu BIDV.

Đến năm 2012, trước khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang NHTMCP, BIDV đã xây dựng được một quy mô tầm vóc lớn mạnh: BIDV có tổng tài sản đạt gần 406 ngàn tỷ đồng, huy động vốn đạt 285,6 ngàn tỷ đồng, dư nợ tín dụng trước DPRR đạt 293,9 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.220 tỷ đồng. BIDV có hệ thống điểm giao dịch rộng khắp với 118 chi nhánh với 525 điểm giao dịch, số lượng cán bộ toàn hệ thống là gần 18.000 cán bộ có trình độ, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Nhìn vào quá trình phát triển của BIDV, trong thời kỳ hoạt động với tên gọi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, với sự chuyển đổi và thực hiện mô hình kinh doanh đa năng, tổng hợp theo mô hình ngân hàng thương mại hiện đại với xu hướng mở rộng các hoạt động ngân hàng bán lẻ đã có bước phát triển vượt bậc về tầm vóc, cả về “lượng” và “chất”, BIDV đã vươn lên thành một ngân hàng đẳng cấp trong nước và quốc tế, có đủ năng lực cạnh tranh để tham gia vào sân chơi toàn cầu. BIDV cũng xây dựng và tích lũy được thế và lực quan trọng để chuẩn bị bước sang một giai đoạn hoạt động theo mô hình mới.

2012 - nay

2012 - nay

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Giai đoạn chuyển đổi hoạt động theo mô hình Ngân hàng TMCP. Đây là một bước phát triển mạnh mẽ của BIDV trong tiến trình hội nhập. Đó là sự thay đổi căn bản và thực chất về cơ chế, sở hữu và phương thức hoạt động khi BIDV cổ phần hóa thành công, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc thị trường với định hướng hội nhập và cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. ...

Ngày 27-4-2012, BIDV chính thức chuyển đổi từ Ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước thành Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước chi phối hoạt động theo quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế. Đây là bước ngoặt quan trọng, có ý nghĩa quyết định, đánh dấu sự phát triển về chất, tạo Thế và Lực mới để BIDV tiếp tục vươn lên và đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của đất nước.. Hình thức sở hữu vốn của BIDV đã có sự thay đổi từ sở hữu duy nhất của Nhà nước sang bao gồm cả sở hữu tư nhân. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, BIDV đã sự thay đổi thực sự về chất - từ cơ cấu sở hữu đến hệ thống quản trị ngân hàng - cả cơ chế lẫn bộ máy và phương thức vận hành. Đó là những thay đổi đảm bảo cho BIDV tăng cường tính minh bạch và theo thông lệ quốc tế, hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngày 24-01-2014, BIDV giao dịch chính thức cổ phiếu với mã chứng khoán BID trên sàn chứng khoán. Với số lượng cổ phiếu là 2.811.202.644 cổ phiếu (Hai tỷ, tám trăm mười một triệu, hai trăm lẻ hai ngàn, sáu trăm bốn mươi bốn cổ phiếu). Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết theo mệnh giá: 28.112.026.440.000 đồng (Hai mươi tám ngàn một trăm mười hai tỷ, không trăm hai mươi sáu triệu, bốn trăm bốn mươi ngàn đồng). Đây là nội dung hết sức quan trọng sau khi BIDV đã thực hiện thành công phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông và tăng cường tính thanh khoản của cổ phiếu.

Trong giai đoạn chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần, tình hình kinh tế thế giới và trong nước không mấy thuận lợi nhưng BIDV vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định và phát triển mạnh mẽ. Quy mô tăng trưởng nhanh, năng lực tài chính cũng được nâng cao; BIDV tiếp tục bồi đắp và gia tăng những yếu tố phát triển bền vững cả về chiều rộng, chiều sâu, cả về quy mô, phạm vi và lĩnh vực hoạt động. Đây cũng là giai đoạn BIDV hoàn thành căn bản Đề án tái cơ cấu giai đoạn 1, đổi mới toàn diện mọi hoạt động của BIDV theo yêu cầu mới. Giai đoạn này BIDV đã cơ bản giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến củng cố, sắp xếp, tái cơ cấu hoạt động; vị trí, vai trò thương hiệu, hình ảnh của BIDV đã được định vị và khẳng định ở cả trong và ngoài nước.

Trong hoạt động điều hành cân đối nguồn vốn, BIDV đã điều hành vốn một cách linh hoạt và chủ động, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động của ngân hàng. BIDV chú trọng và có những chính sách ưu tiên gia tăng nguồn vốn huy động từ khách hàng dân cư.

Trong hoạt động phục vụ doanh nghiệp, BIDV đã đồng hành chia sẻ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tín dụng trọng điểm, các gói hỗ trợ lãi suất, đồng thời, triển khai các biện pháp hỗ trợ, đẩy mạnh cho vay mới theo nhu cầu đối với những khách hàng gặp khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng khôi phục, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, BIDV đã chủ động triển khai các gói tín dụng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đi đầu trong việc hạ lãi suất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Hoạt động bán lẻ của BIDV cũng đã có những thay đổi toàn diện trên các phương diện như mô hình tổ chức, sản phẩm dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng và đổi mới hoạt động bán lẻ theo xu hướng hiện đại.

Phát triển công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng số: Cách mạng công nghệ 4.0 đã có sự tác động mạnh mẽ tới mọi hoạt động kinh tế, xã hội và cả văn hóa quốc gia trên toàn thế giới. BIDV cũng có những nỗ lực vượt bậc trong hành trình chinh phục kỷ nguyên số. BIDV luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin với chiến lược, định hướng rõ ràng. Hoạt động ngân hàng số của BIDV đã đạt được những kết quả ấn tượng với sự đa dạng cả về sản phẩm, dịch vụ và các kênh phân phối hiện đại, tích hợp dịch vụ phi ngân hàng lên ứng dụng mobile, số hóa quy trình nghiệp vụ và phát triển hệ thống tự giao dịch E-zone… BIDV tự hào cung ứng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng với hàm lượng công nghệ cao, tự động hóa các quy trình, hướng tới nhu cầu khách hàng; kết hợp với các công ty Fintech/Bigtech để đa dạng hóa và mở rộng hệ sinh thái tạo sự gắn kết của khách hàng với BIDV. BIDV với 100% nghiệp vụ có ứng dụng CNTT trong tác nghiệp, quản trị hàng ngày, tỷ lệ tự động hoá ở các nghiệp vụ trên 90% với trên 160 ứng dụng đang được hoạt động. Các hệ thống CNTT luôn được quản lý, vận hành an toàn, ổn định với hiệu suất đạt gần 100%, đáp ứng yêu cầu kinh doanh liên tục của Ngân hàng. Hệ thống Ngân hàng cốt lõi quản lý trên 11 triệu khách hàng và xử lý bình quân gần 9 triệu giao dịch/ngày...

Thực hiện bán chiến lược cho đối tác nước ngoài: Ngày 11-11-2019, BIDV và Hana Bank – Ngân hàng lớn thứ 3 Hàn Quốc đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV. Cú bắt tay hợp tác giữa BIDV-Hana Bank được đánh giá là giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của BIDV. BIDV có một đối tác đồng hành và có thêm những nguồn lực quan trọng trong nâng cao năng lực quản trị điều hành; quản trị rủi ro; phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao; tăng cường năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sản phẩm, tiện ích của khách hàng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Đến cuối năm 2016, BIDV có quy mô tổng tài sản đạt trên 1 triệu tỷ đồng, đứng đầu các Ngân hàng thương mại Việt Nam, Top 3 Asean, Top 500 doanh nghiệp toàn cầu, là Ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 940 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ và đầu tư đạt gần 950 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 7.709 tỷ đồng, nằm trong top 10 doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế lớn cho Ngân sách Nhà nước. BIDV có mạng lưới hoạt động với 190 chi nhánh trong nước, 01 chi nhánh nước ngoài, với 815 phòng giao dịch. Phát triển mạnh kênh phân phối hiện đại với 1.823 ATM và 34.000 POS. BIDV đã thiết lập mối quan hệ với trên 3.500 định chế tài chính trong và ngoài nước, cung cấp dịch vụ cho hơn 100 Ngân hàng nước ngoài, quan hệ đại lý với trên 1.700 định chế tài chính lớn tại 122 quốc gia và vũng lãnh thổ. Toàn hệ thống có 25 ngàn cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, BIDV đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu lại , hoàn thành toàn diện các mục tiêu kế hoạch kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh, gia tăng sức mạnh nội tại về “chất”, BIDV đã có những bước phát triển toàn diện trên các mặt hoạt động, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định về quy mô, thị phần, giữ vững vai trò là lực lượng chủ lực góp phần phát triển và ổn định thị trường tài chính-tiền tệ ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tại thời điểm cuối năm 2023, BIDV là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam xét theo quy mô tổng tài sản. Tổng tài sản của BIDV tăng trưởng qua các năm, giữ vị trí là NHTMCP có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam: Tổng tài sản hợp nhất đạt trên 2,3 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2022. Tiền gửi của khách hàng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng tăng 15,7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.589 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022. BIDV hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán - đầu tư tài chính với mạng lưới gần 1.100 chi nhánh và phòng giao dịch cùng các hiện diện thương mại tại 5 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ hơn 19 triệu khách hàng, thiết lập quan hệ đối tác với 2.300 định chế tài chính trên toàn cầu. BIDV có hệ thống gần 30.000 cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.

Thương hiệu BIDV là sự lựa chọn, tín nhiệm của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và cá nhân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, được tôn vinh và trao tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu trong và ngoài nước. Trong nhiều năm liên tiếp BIDV nằm trong Top 2.000 Công ty lớn nhất thế giới (Forbes); Top 300 Thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (Brand Finance), Top 10 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Vietnam Report), lần thứ 9 được vinh danh là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam (The Asian Banker); Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam (The Asian Banking & Finance) và nhiều giải thưởng uy tín khác.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, BIDV cũng là một ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội Vì cộng đồng, coi đó là một trong 4 sứ mệnh cốt lõi mà Ngân hàng nỗ lực dành nhiều nguồn lực, tâm sức thực hiện. Hoạt động an sinh xã hội của BIDV tập trung vào các lĩnh vực bao gồm: giáo dục, y tế, Xây dựng nhà đại đoàn kết, cứu trợ thiên tai, quà tết cho người nghèo, xây dựng cầu đường,các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động ASXH tại nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar.... Công tác tài trợ ASXH của BIDV đã góp phần đem lại hiệu quả đáng kể đối với các chủ trương giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế… góp phần cải thiện sự lạc hậu, kém phát triển về giáo dục, trắng điểm trường, nâng cấp cơ sở trang thiết bị y tế, đem lại hàng trăm mái ấm cho người nghèo giúp họ an cư lạc nghiệp để yên tâm sản xuất.

Toàn hệ thống BIDV đang nỗ lực trong những bước đi đầu tiên thực hiện “Chiến lược phát triển 2021 - 2025, tầm nhìn 2030” theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, BIDV xác định sứ mệnh của Ngân hàng là đem lại lợi ích tiện ích tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội. BIDV theo đuổi tầm nhìn trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á. BIDV xác định các giá trị hướng đến khách hàng, luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, coi đó là giá trị văn hóa doanh nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp, tập trung đầu tư phát triển công nghệ và ngân hàng số là những trụ cột phát triển. BIDV sẽ điều hành các hoạt động của hệ thống một cách bài bản, có chiến lược và kiên định theo mục tiêu, sứ mệnh tầm nhìn xoay quanh các trụ cột chính và các giá trị cốt lõi đã được xác định trong chiến lược phát triển.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển Ngân hàng, BIDV sẽ nỗ lực thực hiện các mục tiêu đó là: Năng lực tài chính lành mạnh đáp ứng các yêu cầu an toàn hoạt động theo quy định và thông lệ tốt, làm nền tảng tăng trưởng quy mô hoạt động, gia tăng thị phần và duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường ngân hàng; Hiệu quả hoạt động bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tài sản, cơ cấu lại nguồn thu, nâng dần tỷ trọng thu nhập phi tín dụng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng - tài chính - bảo hiểm tốt nhất cho khách hàng; Cơ cấu nền khách hàng chuyển dịch tích cực, phát triển khách hàng FDI, duy trì vị thế ngân hàng đứng đầu Việt Nam về thị phần trong phân khúc khách hàng bán lẻ và SME; Quản trị điều hành minh bạch, hiệu quả theo thông lệ, phấn đấu niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài; Đi đầu về công nghệ thông tin và ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam trong hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành, thích ứng được với sự thay đổi của thời đại; Đội ngũ nhân sự chất lượng cao đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong xu thế hội nhập và CMCN 4.0; Phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng và duy trì môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, học hỏi, sáng tạo, trách nhiệm xã hội.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}