BIDV tham dự Hội thảo “Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp”

26/12/2023
Ngày 21/12/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp”. Hội thảo do Tiến sĩ Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN chủ trì và hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn trao đổi có tính tương tác cao giữa các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức quốc tế, các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học… cùng thảo luận, đánh giá về những cơ hội, thách thức trong việc thực thi ESG trong ngành Ngân hàng.

Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của tăng trưởng bền vững, kinh tế xanh đối với tổng thể nền kinh tế Việt Nam, ngay từ khi xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, BIDV đã xác lập mục tiêu “hướng tới sự phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, đưa tín dụng xanh, tài trợ xanh trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển.

Tại Hội thảo, ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV đã trình bày tham luận và nêu bật một số điểm nhấn trong hoạt động của BIDV liên quan đến lĩnh vực này như:

Ngay từ đầu năm 2023, BIDV đã triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xanh (đáp ứng các tiêu chí chứng nhận Viet Gap, Viet GaHP, Global Gap, OCOP…) với lãi suất cho vay cạnh tranh (thấp hơn đến 1%/năm) nhằm khuyến khích, hỗ trợ khách hàng đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường - xã hội; trong đó bao gồm cả các khách hàng kinh doanh thương mại hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đáp ứng chứng nhận nêu trên. Đồng thời, BIDV cũng triển khai gói tín dụng 3.500 tỉ đồng để cho vay mua ô tô điện phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất cạnh tranh nhằm góp phần cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, kiến tạo cuộc sống xanh.

Tháng 10/2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh, BIDV triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỉ đồng (3.000 tỉ đồng và 50 triệu USD) với các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỉ giá. Hiện toàn bộ dư nợ phát sinh đều là tài trợ cho các doanh nghiệp dệt may đạt các tiêu chuẩn/chứng chỉ bền vững quốc tế. Bên cạnh đó, BIDV xác định công nghệ và chuyển đổi số tiếp tục là mũi nhọn, ưu tiên xuyên suốt, hỗ trợ đắc lực trong lộ trình chuyển đổi xanh, bền vững và thực hành ESG của ngân hàng. Từ năm 2021, BIDV đã ban hành chiến lược Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Tại Chiến lược này, BIDV xác định lộ trình triển khai số hóa toàn diện sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh số hóa hoạt động quản trị nội bộ, tự động hóa các hoạt động tác nghiệp thông qua việc triển khai Danh mục sáng kiến Chuyển đổi số bao trùm trên mọi phương diện hoạt động của ngân hàng.

BIDV đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu, ban hành khung chính sách để phát triển tài chính bền vững và quản lí rủi ro ESG như: Khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội áp dụng cho các khoản cho vay từ nguồn vốn quốc tế (ESMS) từ năm 2019, Khung khoản vay bền vững, Khung trái phiếu xanh theo nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Chính sách quản lí rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng... Trong đó, Khung trái phiếu xanh của BIDV được Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Moody’s đánh giá cao về mức độ minh bạch, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế cũng như các biện pháp quản lí và báo cáo sử dụng vốn với mức điểm SQS2 (very good).

BIDV cũng chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế như COP 26, 27, 28... để nắm bắt mục tiêu, định hướng và các xu hướng, sự chuyển dịch của thị trường đối với lĩnh vực phát triển bền vững. Bên cạnh đó, là tiếp xúc với các định chế tài chính nước ngoài và tổ chức quốc tế tìm hiểu khả năng hợp tác để thúc đẩy hợp tác liên quan đến ESG như kí Biên bản ghi nhớ (MOU) với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) về hỗ trợ trong phát hành trái phiếu xanh, hỗ trợ kĩ thuật và chia sẻ thông tin các dự án xanh khả thi, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nắm bắt tiến độ triển khai nguồn vốn JETP tại Việt Nam...

Tính đến ngày 30/11/2023, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh. Tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỉ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của BIDV. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm trên 80%), tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai (chiếm khoảng 10%)…

Phó Tổng Giám đốc Trần Phương cũng phân tích một số khó khăn, thách thức trong phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam và nêu lên một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, và một số bộ ngành liên quan nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung và tổ chức tín dụng nói riêng, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}