BIDV triển khai Quyết định 131/TTg- CP về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh

05/02/2009

BIDV triển khai Quyết định 131/TTg- CP về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về 5 gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Quyết định số 131/TTg – CP ngày 23/01/2009 của Thủ tướng về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh và Thông tư số 02/2009/TT - NHNN ngày 03/02/2009 của Ngân hàng Nhà nước về việc quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở tinh thần quán triệt và nghiêm túc triển khai các Quyết định nêu trên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã chủ động xây dựng các nội dung triển khai cụ thể như sau:

1. Quan điểm, nhận thức:

- Toàn hệ thống Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam (BIDV) nhận thức đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

- Toàn hệ thống BIDV quán triệt, nghiêm túc, tuân thủ và chủ động triển khai thực hiện một cách công khai, minh mạch, rõ ràng có tiến độ, kết quả, hiệu quả cụ thể  các Quyết định của Chính Phủ và thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

2. Mục đích yêu cầu:

- Quán triệt và triển khai kịp thời chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn Ngân hàng để sản xuất – kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động là một giải pháp cấp bách ngăn chặn, chống suy giảm kinh tế.

- Đảm bảo hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định, chính xác, kịp thời, minh bạch, công khai đúng đối tượng khách hàng, khoản vay trong giới hạn thời gian theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt nam.

- Thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất cần gắn liền với việc kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.

- Chi nhánh chịu trách nhiệm kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, đảm bảo hỗ trợ lãi suất đúng đối tượng. Nghiêm cấm mọi hành vi cho vay đảo nợ, gian lận để được cấp bù lãi suất.

3. Nội dung triển khai thực hiện

3.1 Đối tượng được áp dụng:

a) Đối tượng áp dụng về hỗ trợ lãi suất: Tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh ở trong nước được hỗ trợ lãi suất là khách hàng vay theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001.

b) Các khoản cho vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất: Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản vay ngắn hạn (thời hạn cho vay đến 12 tháng) bằng đồng Việt Nam để làm vốn lưu động sản xuất - kinh doanh, được thống kê theo 09 ngành kinh tế quy định tại Quyết định số 447/2004/QĐ-NHNN ngày 28 thánh 4 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Chế độ thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng. Và các ngành, lĩnh vực đặc thù sau đây:

- Hoạt động xây dựng mới công trình, hạng mục công trình, hoạt động xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp.

- Đối tượng vay vốn thuộc diện chính sách xã hội hóa giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao, môi trường được quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ.

- Các hoạt động sản xuất răng, hàm giả, các hoạt động kiểm dịch, chăm sóc, gây giống gia súc, gia cầm…., hoạt động khám sức khỏe động vật mà không chăm sóc theo bệnh lý và đối tượng vay vốn thuộc diện chính sách xã hội hóa y tế được quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

3.2. Các khoản cho vay không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất bao gồm :

a) Các khoản cho vay trung và dài hạn bằng đồng Việt nam; các khoản cho vay ngắn, trung và dài hạn bằng ngoại tệ.

b) Các khoản cho vay ngắn hạn bằng VND sử dụng vốn vào các lĩnh vực,  ngành nghề theo quy định tại Phụ lục 7 Quyết định số 477/2004/QĐ-NHNN bao gồm:

- Ngành công nghiệp khai thác mỏ: bao gồm các hoạt động khai thác khoáng sản (ngoại trừ các hoạt động điều tra thăm dò khoáng sản thuộc nhóm các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn).

- Hoạt động tài chính: bao gồm các hoạt động trung gian tài chính; bảo hiểm và trợ cấp hưu trí; các hoạt động hỗ trợ cho hoạt động tài chính; các hoạt động hỗ trợ bảo hiểm và trợ cấp hưu trí.

- Hoạt động kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn:

+ Cho vay kinh doanh tài sản: bao gồm các hoạt động liên quan đến bất động sản như mua, bán, cho thuê và quản lý bất động sản thuộc quyền sở hữu hoặc đi thuê (cho thuê nhà ở dài hạn, cho thuê trụ sở làm việc …); hoạt động môi giới kinh doanh, đấu giá bất động sản; cho thuê máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê đồ dùng cá nhân và gia đình.

+ Cho vay kinh doanh dịch vụ tư vấn: bao gồm các hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện pháp luật, hoạt động tư vấn về kiến trúc, quảng cáo…

- Quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể, bảo hiểm xã hội bắt buộc: bao gồm các hoạt động trực tiếp quản lý nhà nước, chính quyền từ TW đến cơ sở; hoạt động quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học thuộc nguồn kinh phí và quản lý của nhà nước; hoạt động của đại sứ quán/lãnh sự quán của Việt Nam tại nước ngoài; các hoạt động của Đảng và các đoàn thể; các hoạt động về bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau, thai sản, mất sức; lương hưu trí của các cán bộ công nhân viên chức Nhà nước; trợ cấp cho người tuổi già, yếu đau tàn tật, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác.

- Giáo dục và đào tạo: bao gồm tất cả các hoạt động về giáo dục và đào tạo, kể cả các trường hợp dặc biệt như dành cho trẻ em khuyết tật…

- Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội: bao gồm các hoạt động y tế của bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, phòng khám chữa bệnh…; hệ thống vệ sinh phòng dịch và các hoạt động y tế khác, các hoạt động thú y; các hoạt động cứu trợ xã hội.

- Hoạt động văn hóa, thể thao: Bao gồm các hoạt động văn học nghệ thuật, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, phát thanh truyền hình, các hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí khác. Ngoại trừ đối tượng vay vốn thuộc diện chính sách xã hội hóa văn hóa, thể thao được quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

- Hoạt động phục vụ cá nhân và công cộng: Bao gồm các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường (thu dọn vật thải, cải thiện điều kiện vệ sinh công cộng và các hoạt động tương tự); các hoạt động dịch vụ khác như giặt tẩy, thẩm mỹ; cho vay đối với học sinh, sinh viên; cho vay người đi lao động ở nước ngoài; cho vay tiêu dùng (bao gồm cả cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng), cho vay các hoạt động của các hiệp hội kinh doanh, hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức hiệp hội khác như tôn giáo.

- Hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình: Bao gồm hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ tư nhân và các hoạt động dịch vụ của hộ gia đình chưa được phân vào nhóm ngành nào.

- Hoạt động của các tổ chức và đoàn thể quốc tế: Gồm cho vay hoạt động của các tổ chức và đoàn thể quốc tế.

c) Các khoản cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt nam để mua ngoại tệ thanh toán tiền nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được thống kê theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt nam tại văn bản số 13684/NHNN-CSTT ngày 26/12/2007 bao gồm các mặt hàng: Đá quý và kim loại quý, ô tô nguyên chiếc từ 12 chỗ trở xuống; danh mục mặt hàng tiêu dùng các loại được chi tiết tại Quyết định số 07/2007/QĐ-BTM ngày 28/02/2007 của Bộ trưởng Bộ thương mại v/v ban hành Danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu và Quyết định số 10/2008/QĐ-BCT ngày 16/05/2008 và Quyết định số 27/2008/QĐ-BCT ngày 11/08/2008 về việc bổ sung danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu.

d) Các khoản cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán theo Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN ngày 01/02/2009: Bao gồm tất cả các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 2455/QĐ-TD3 ngày 03/06/2008 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam v/v ban hành Quy định về cho vay, chiết khấu GTCG để đầu tư kinh doanh chứng khoán.

e) Các khoản cho vay để mua quyền sử dụng đất để kinh doanh, chuyển nhượng. 

4. Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất:

- Tất cả các khoản vay của khách hàng vay vốn thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất đều được hỗ trợ lãi suất.

- Khoản vay của khách hàng vay vốn thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất chi nhánh không được từ chối.

- Chi nhánh thực hiện cho vay các nhu cầu vốn lưu động đối với các khách hàng  bảo đảm nguyên tắc và điều kiện cho vay theo cơ chế tín dụng thông thường.

- Chi nhánh chịu trách nhiệm kiểm tra tính đúng đắn của khoản vay vốn đáp ứng các điều kiện tín dụng, tài sản đảm bảo, phương án sản suất kinh doanh theo quy định.

5. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất: Tối đa là 08 tháng, áp dụng trong năm 2009 đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 thánh 02 đến ngày 31 tháng 12 năm 2009; các khoản vay có thời hạn vay vượt quá năm 2009, thì được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian vay của năm 2009, các khoản vay quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay thì không được tính hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian quá hạn trả nợ và gia hạn nợ vay.

- Đối với hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày 01 tháng 02 năm 2009 trong đó có thoả thuận việc giải ngân nhiều lần thì các khoản cho vay được giải ngân  trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 đến 31 tháng 12 năm 2009 được hỗ trợ lãi suất.

- Các hợp đồng tín dụng ngắn hạn được hỗ trợ lãi suất chi nhánh áp dụng lãi suất cho vay cố định trong suốt thời gian vay vốn.

6. Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay: 4%/năm, tính trên dư nợ vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 đến ngày 31 tháng 12 năm 2009.

7. Phương thức thực hiện hỗ trợ lãi suất :

- Chỉ thực hiện chi trả hỗ trợ lãi suất theo nguyên tắc khách hàng thực hiện trả lãi vay đầy đủ của số tiền lãi đến hạn.

- Đến kỳ trả lãi trên cơ sở khách hàng đã trả đầy đủ lãi vay chi nhánh đồng thời giảm trừ ngay số lãi tiền vay khách hàng được hỗ trợ lãi suất.

- Trường hợp đến kỳ trả lãi khách hàng không trả được lãi chi nhánh thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường, đến khi khách hàng trả lãi chi nhánh giảm trừ ngay số tiền lãi được hỗ trợ theo quy định, lưu ý không hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian quá hạn trả nợ và gia hạn nợ vay.

8. Quy trình thực hiện hỗ trợ lãi suất.

8.1. Xét duyệt cho vay: Chi nhánh BIDV (Chi nhánh) thực hiện xét, duyệt cho vay đối với khách hàng theo quy trình tín dụng hiện hành.

8.2. Xác định khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất:

- Chi nhánh BIDV căn cứ nội dung hướng dẫn của BIDV, rà soát xác định các khách hàng, khoản vay thuộc đối tượng được cấp bù lãi suất.

- Khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất chi nhánh đề nghị khách hàng gửi giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất theo mẫu hướng dẫn của BIDV.

8.3. Ký Hợp đồng, Phụ lục hợp đồng tín dụng.

- Đối với hợp đồng tín dụng phát sinh từ 01/02/2009: Chi nhánh BIDV thực hiện ký hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng tín dụng về việc hỗ trợ lãi suất theo mẫu hướng dẫn của BIDV.

- Đối với hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày 01 tháng 02 năm 2009 trong đó có thoả thuận việc giải ngân nhiều lần, thì các khoản giải ngân phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 đến 31 tháng 12 năm 2009 vẫn được hỗ trợ lãi suất. Chi nhánh ký phụ lục hợp đồng tín dụng về việc hỗ trợ lãi suất theo mẫu hướng dẫn của BIDV, đồng thời mở tài khoản vay riêng trong hệ thống SIBS để giải ngân, quản lý theo dõi phần dư nợ được hỗ trợ lãi suất.

9. Công tác kiểm tra, giám sát:

9.1. Giám đốc chi nhánh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc BIDV và pháp luật Nhà nước đối với các trường hợp hỗ trợ lãi suất không đúng với quy định. Trong trường hợp để xảy ra bất kỳ vụ việc tham ô, tiêu cực liên quan đến hỗ trợ lãi suất, giám đốc chi nhánh và các cán bộ có liên quan tuỳ mức độ vi phạm chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ chức, buộc thôi việc… hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật và phải bồi thường vật chất.

9.2. Thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra sau khi cho vay để phát hiện kịp thời những trường hợp khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích nhằm xử lý đúng quy định.

9.3. Chi nhánh thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất đã ghi trong hợp đồng tín dụng. Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo đối tượng hỗ trợ lãi suất là vi phạm pháp luật và không được hỗ trợ lãi suất chi nhánh thu hồi ngay số lãi tiền vay đã được hỗ trợ trước đó; trường hợp không thu hồi được thì báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

9.4. Thực hiện công tác đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, thông tin báo cáo theo các mẫu biểu đính kèm đúng quy định của Hội sở chính và Ngân hàng Nhà nước địa phương.

9.5. Thực hiện khai báo thông tin chính xác trong hệ thống SIBS, trường hợp khai báo không chính xác Hội sở chính sẽ không thực hiện cấp bù lãi suất và có chế tài xử phạt nghiêm khắc nếu phát hiện gian lận trong quá trình thực hiện.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}