Các ngân hàng hiện nay đều tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng có thể bạn lại nằm ngoài đối tượng được ưu tiên vay vốn nếu không biết rõ 5 điều sau.
Mặc dù các ngân hàng hiện nay đều tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng họ vẫn luôn thận trọng trong việc cho vay vốn và tìm đối tượng cho vay phù hợp nhằm tránh rủi ro nợ xấu. Bạn cần làm gì để vượt qua các điều kiện khắt khe của các nhà băng?
Dưới đây là 5 bước quan trọng để khoản vay của bạn sớm được phê duyệt:
1. Hiểu được nhu cầu bản thân
Trước khi đến ngân hàng, bạn cần tham khảo trước các gói vay vốn qua mạng của nhiều ngân hàng, đồng thời xác định rõ nhu cầu vay vốn, các điều khoản bạn có thể đáp ứng được và mục tiêu trả nợ của bạn. Bạn cần tính toán kỹ khoản nợ phải trả mỗi tháng của mình là bao nhiêu.
Sau khi đánh giá nhu cầu của bản thân (vay mua ô tô, vay thế chấp, vay tiêu dùng..) cũng như mức thu nhập hiện tại, bạn ấn định mức vay mà chi phí trả nợ mỗi tháng không quá 50% thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Khi đó nguồn thu nhập chính của bạn bị gián đoạn hay cắt giảm, bạn cũng có thể xoay xở để duy trì được việc trả nợ.
Tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của các ngân hàng cũng sẽ giúp bạn dễ dàng so sánh, từ đó có được sự lựa chọn phù hợp nhất.
2. Liên hệ tư vấn
Khi đã tìm được gói vay vốn tốt nhất với bạn, hãy liên hệ trực tiếp đến ngân hàng để hỏi trước về các điều kiện của khoản vay. Có thể bạn sẽ cần hẹn gặp với nhân viên tư vấn để trao đổi về các thủ tục, giấy tờ và quy trình để bắt đầu vay vốn. Mỗi ngân hàng có những điều kiện khác nhau, do vậy bạn cần phải biết trước để chuẩn bị.
3. Biết hạn chế của mình
Khi đi vay vốn, bạn cần biết rõ về lịch sử tín dụng và điểm tín dụng hiện tại của mình bởi vì các thông tin này sẽ quyết định đến việc xét duyệt vay vốn và hạn mức tín dụng bạn được cấp.
Điểm tín dụng là con số phản ánh một cách khách quan về lịch sử tín dụng của người vay vốn, dựa trên quá trình thanh toán cùng tình trạng các khoản nợ hiện tại của người vay vốn với các ngân hàng (nếu có).
Thông tin này sẽ được tổng hợp bởi trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC, trực thuộc ngân hàng nhà nước, dựa trên các báo cáo tín dụng định kỳ của ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Điểm tín dụng càng cao thì khả năng nhận được sự chấp thuận hồ sơ vay vốn từ ngân hàng càng thuận lợi và nhanh chóng hơn, về số tiền vay lẫn mức lãi suất ưu đãi.
Khi xét duyệt mọi khoản vay mới, ngân hàng sẽ gửi yêu cầu truy xuất thông tin của khách hàng trong hệ thống CIC, để làm một phần cơ sở khi phê duyệt đồng ý hay từ chối cho vay hồ sơ tín dụng này.
Do vậy, bạn nên xem lại quá trình lịch sử tín dụng cá nhân của mình có vấn đề gì hay không. Đừng cố gắng đi vay khi bạn biết rằng lịch sử tín dụng của bạn trong 02 năm gần đây không tốt bởi vì bạn sẽ tốn chi phí “bôi trơn” và thời gian không cần thiết mà vẫn không vay được.
4. Lập bản checklist vay vốn
Dựa trên những thông tin ngân hàng cung cấp, bạn nên lập ra một checklist (danh sách) những loại giấy tờ cần chuẩn bị để xin vay vốn.
Nhiều khi việc chuẩn bị này cũng mất khá nhiều thời gian do phải liên hệ nhiều bên liên quan như bộ phận nhân sự của công ty bạn đang làm việc, chính quyền địa phương, bên cho vay…. Thiếu bất cứ loại giấy tờ nào cũng sẽ khiến cho việc phê duyệt khoản vay bị chậm trễ.
5. Đừng kỳ vọng quá
Bạn không thể vội vàng khi xin vay vốn từ ngân hàng. Nhân viên tín dụng phải thực hiện theo đúng quy trình nhất định trong việc xin phê duyệt và giải ngân khoản vay. Bạn có thể hỏi họ về quy trình đó để ước tính thời gian xử lý. Thông thường việc phê duyệt sẽ diễn ra trong vòng 1-3 tuần tùy loại hình vay.
Có thể bạn sẽ phải ghi ra một số mục đích chính của việc vay vốn trong trường hợp ngân hàng hỏi đến. Ví dụ với khoản vay tiêu dùng, ngân hàng muốn biết bạn sẽ dùng số tiền vay vào mục đích gì như sửa nhà hay trả nợ…
Nếu chẳng may khoản vay của bạn không được phê duyệt, ngân hàng sẽ cho bạn biết lý do từ chối. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng, và không dễ để bạn tiếp tục xin vay vốn ở 1 ngân hàng khác.
Trên đây là 5 điều cần lưu ý để vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ ngay BIDV để được tư vấn chi tiết nhé!
Xem thêm: