Lần đầu đi Ấn Độ, tôi đã nghĩ đến câu chuyện Tây Du Ký với các hình ảnh bao thế hệ người Việt Nam đã ám ảnh: thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh. Bay như Tôn Đại thánh qua Thái Lan, vật vạ quá cảnh 8 tiếng, bay về Bắc Ấn, rồi thuê xe, bụi bặm dặm trường, đi tàu hoả trắng đêm, đi xe khách đông như kiến cỏ trong giá rét căm căm. Vẫn biết, đi du lịch thì khổ ải cũng là trải nghiệm đáng nhớ và biết đâu qua thời gian thì tất cả sẽ đuợc phủ một lớp chocolate của ký ức thêm ngọt ngào. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là trải nghiệm đau khổ kia không đáng phải trải qua tí nào, một khi đã có charter (thuê máy bay nguyên chiếc).
Vấn đề là thời đại công nghệ và dịch vụ cho phép bạn đi trải mình với xứ Ấn mà không phải “đi kèm” món hành xác. Hoàn toàn có thể mơ đến một chuyến bay thẳng khoảng 3 tiếng đồng hồ, từ Sân bay Quốc tế Nội Bài “buông dù” vào Bodh Gaya - Bồ Đề Đạo tràng mà lễ Phật ở cội bồ đề thiêng, nơi ngài Thích Ca đã ngồi thiền 49 ngày rồi giác ngộ thành Đức Phật; sau đó, bạn có thể êm đềm du sơn du thuỷ, khám phá các thánh tích Phật giáo khác. Bạn cũng có thể chiêm ngưỡng Kiệt tác Di sản Văn hoá thế giới như Taj Mahal “giọt lệ vương trên gò má thời gian” hay sông Hằng kỳ vĩ rồi Varanasi - thành phố mà nhà văn nổi tiếng Mark Twain đã xưng tụng: “cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cổ hơn cả huyền thoại, và trông già hơn tất cả những điều vừa nêu trên cộng lại với nhau!”.
Bây giờ, đi du lịch sướng hơn vài năm trước vô cùng nhiều. Tôi đi theo máy bay charter của hãng lữ hành Vietravel. Bay thẳng. Họ thuê máy bay nguyên chiếc (chuyên cơ) phục vụ du khách. Chứ, tính đến nay, vẫn chưa có hãng hàng không nào của Việt Nam ta mở đường bay thẳng Việt Nam sang Ấn Độ. Tầm 3 giờ bay, xa hơn chặng bay Hà Nội - Phú Quốc tí. Cái nỗi sợ của những người không ăn được thức ăn sậm mùi cà ri trong mọi món ở nhà hàng Ấn cũng tan biến. Vì ớt tươi, nước mắm, cả đồ ăn chay đặc Việt cũng được ban tổ chức tour lo hết. Họ mang cả nồi cơm điện, mì tôm và bún phở đóng gói. Thích thì nấu, thèm nhớ vị, phở bún thì tự chế rồi thưởng thức; thêm tí ớt tươi và bát nước mắm Phú Quốc chính hiệu lại càng nhâm nhi. Phải nói, người mộ Phật rất đông là phụ nữ với người già, thói quen ăn uống khó thích nghi với thế giới của cà ri sậm mùi xứ Ấn, cho nên, việc “đổi mới” dịch vụ thăm “xứ lạ” kể trên được xem như là cả một cuộc cách mạng. Nói thế này thì mới đúng, kể cả các phượt thủ thích tự khám phá nhất, thì sau khi “nếm mùi” đủ thứ vật lộn, ám ảnh, rét mướt, đôi khi hơi luộm thuộm và quá bụi bặm của Ấn Độ rồi, họ mới thấy giá trị tuyệt vời của cách làm du lịch kiểu “thuê chuyên cơ” hiện nay.
Đi vèo một cái trên đường trời sang thủ phủ của “tứ động tâm linh” lễ Phật. Chưa hết, điều kỳ thú không kém là cả một thế giới “không giống như mọi ngày” đang chờ bạn ở đích đến. Khắp nơi, tràn ngập chim trời, sóc chuột, khỉ hoang chạy vùn vụt trên phố mà không xi nhan hay chờ đèn đỏ. Bạn ngồi ở công viên hay trong bóng đổ của các đền đài, hễ giơ tay ra, là đàn sóc chuột lít chít cong đuôi trèo lên tay bạn và ngắm nghía. Tôi cùng một số đại sư, chức sắc tôn giáo Việt Nam cúi đầu lễ Phật trên núi Linh Thứu, bỗng đâu một đàn khỉ vọc láu cá chí choé từ đỉnh rừng ào ào đến. Chuối, táo và các loại bánh kẹo xanh đỏ thương hiệu tiếng Việt trên ban thờ Phật, bọn chúng cứ hè nhau ôm tất cả rồi khệnh khạng trốn vào rừng. Vừa ăn vừa ném bỏ, lát sau chúng tự tin và hí hửng quay lại.
Những con bò sau khi bị chết già, người Ấn tin rằng trong bò có sự cư ngụ của 150 vị thần, nên họ không ăn thịt, mà mang ngài ra ngoài bờ ruộng bỏ đó. Quạ đen, chó hoang, loài ác điểu như kền kền xông đến trợ giúp “làm sạch môi trường”. Chúng xâu xé từ sáng đến chiều thì bò mộng ta chỉ còn trơ bộ xương đỏ loe loét. Xe ô tô đi qua, lũ quạ bay tung toé, đen nhoáy không gian, màu đỏ bộ xương bò hở ra một phút. Xe qua, quạ và hoang thú lại xà xuống, xông vào, phủ kín thi thể bò. Và tiếp tục thưởng thức đại tiệc!
Bên sông Hằng, trên phố, nhiều khi không trông thấy nền trời vì chim lớn bé các loại, nhiều nhất là quạ khoang và quạ đen. Ở “giọt lệ vương trên gò má thời gian”, Kỳ quan Taj Mahal, quạ xanh đỏ hôn nhau rực rỡ trên các tán cây. Quạ và sóc chuột đi lẫn với líu díu ngàn vạn bước chân du khách.
Thiên nhiên nơi này mang một gương mặt nhiều khác biệt với những gì bạn hằng thấy ở Việt Nam. Văn hoá tín ngưỡng cũng vậy, điều khiến nhiều người bất ngờ, là người Ấn theo đạo Phật rất rất ít, dẫu các thánh địa Phật giáo hầu hết ở nơi này. Có các ông đạo Xích, cả đời không được phép cắt tóc cạo râu, tóc họ như rồng phượng cuồn cuộn trên đầu, râu vểnh ra cong vút rất hài hước. Trên phố, các cuộc “trình diễn” giàu sang, lóng lánh bạc vàng của các đám cưới có thể khiến bất cứ ai phải sững sờ. Pháo nổ đinh tai, đường tắc tị, xe tải cao vút trời đi cạnh các xe túc túc bé như con ong vè vè, và khói bụi kinh thiên. Nhưng các đám rước vẫn tưng bừng và không có ai tỏ ra khó chịu vì điều đó cả. Người Ấn không giết bò, nên bò hoang đi đầy phố, phóng uế đen kịt. Chịn cả vào người đi bộ và xem máy. Chúng tôi từng chấp nhận ngập giày tất trong phân bò ở các con ngõ bé đến mức hai xe máy tránh nhau còn vật vã để xuống sông Hằng chứng kiến cảnh thiêu xác người. Bất cứ người Hin đu nào ở đất nước hơn tỷ dân này cũng muốn được tắm sông Hằng mỗi ngày và khi chết thì bằng mọi giá phải được thiêu xác bên bờ dòng nước thiêng rồi rải tro cốt xuống sông Mẹ. Con sông tâm linh ô nhiễm bậc nhất địa cầu, ngùn ngụt các núi củi lửa hoả táng; song nó cũng mang tải trong mình một nền văn minh cổ xưa và vĩ đại bậc nhất của loài người…
Cả một trời biển các điều lạ lẫm, kỳ thú, khó tin nhưng có thật ở nền văn minh Ấn bên bờ Sông Hằng để khám phá. Miền Bắc Ấn Độ chưa bao giờ thôi thách thức các chiều kích xúc cảm và sự ham hiểu biết của tất cả chúng ta. Đây không phải là miền đất đi một lần cho biết và có thể hiểu được sau vài chuyến ghé thăm. Và, với tôi, may thay, với các chuyến charter Nội Bài - Bodh Gaya hiện nay thì chưa bao giờ “xứ ở huyền thoại” Ấn Độ kia lại được kéo gần đến như vậy. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn của thời 4.0, khi mà công nghệ và dịch vụ mới cùng “xắn tay” lên phục vụ khát vọng khám phá địa cầu của mỗi chúng ta.
Tác giả: Hoàng Quân