Xem ngay 6 điều nên làm và 6 điều tuyệt đối không làm trong quá trình sử dụng dịch vụ internet banking để kẻ gian không lấy được tiền của bạn.
Thực hiện giao dịch ngân hàng trên các thiết bị công nghệ đang dần trở thành xu hướng chung của người dùng nhờ sự thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, để bảo mật tài khoản tốt nhất, khách hàng nên “nằm lòng” các điểm lưu ý khi sử dụng dịch vụ này.
Dịch vụ ngân hàng điện tử (internet banking) là dịch vụ ngân hàng được cung cấp cho khách hàng qua các phương tiện điện tử như mạng internet hoặc mạng thông tin di động. Với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng điện thoại, máy tính hoặc các thiết bị thông minh khác để vấn tin hoặc thực hiện các giao dịch với tài khoản ngân hàng mà không cần phải đến các phòng giao dịch hoặc ATM.
Tuy nhiên, nhằm bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng trên môi trường mạng, người dùng thông thái cũng cần lưu ý về các việc nên và không nên làm như sau:
6 việc NÊN LÀM
Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch cũng như tài khoản internet banking của mình, bạn nên làm đủ các việc sau:
- Khi truy cập dịch vụ internet banking, bạn nên tự nhập địa chỉ trang web vào trình duyệt, không truy cập vào dịch vụ internet banking từ một liên kết được gửi qua email hoặc trên trang web không tin cậy để tránh truy cập và nhập thông tin vào trang web giả dẫn đến rủi ro
- Đặt mật khẩu đủ tin cậy theo quy tắc mật khẩu do các ngân hàng thiết lập, thay đổi mật khẩu tài khoản truy cập theo định kỳ tối thiểu 03 tháng một lần, hoặc khi bị lộ và nghi bị lộ
- Cài đặt, sử dụng phần mềm diệt vi rút trên thiết bị cá nhân sử dụng để giao dịch ngân hàng điện tử
- Thoát khỏi ứng dụng ngân hàng điện tử khi không sử dụng
- Đăng ký sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn báo biến động số dư tài khoản, thẻ để dễ dàng phát hiện những giao dịch bất thường
- Đọc và thực hiện đúng các quy định về Hướng dẫn giao dịch an toàn trên website của các ngân hàng để đảm bảo sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử/thẻ đúng cách, an toàn, bảo mật
6 việc KHÔNG LÀM:
Bên cạnh 6 việc nên làm thì bạn cần lưu ý tuyệt đối KHÔNG LÀM 6 việc sau:
- KHÔNG cung cấp tên, mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử; không cung cấp mật khẩu thứ 2 –OTP; không chia sẻ các thiết bị lưu trữ các thông tin này, thông tin thẻ, mã số PIN cho bất kỳ đối tượng nào dưới bất kỳ hình thức nào (điện thoại, email, facebook...)
- KHÔNG cung cấp các thông tin cá nhân có liên quan đến tài khoản và dịch vụ Ngân hàng điện tử như: Họ tên khách hàng, số CMND, số tài khoản, địa chỉ email, số điện thoại đăng ký dịch vụ, nội dung tin nhắn, theo yêu cầu của bất kỳ ai.
- KHÔNG truy cập các trang web không đáng tin cậy, KHÔNG nhập thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ Ngân hàng điện tử vào bất kỳ trang web hay ứng dụng không chính thức nào của ngân hàng.
- KHÔNG lưu lại tên đăng nhập và mật khẩu trên các trình duyệt web, trên các thiết bị sử dụng chung (nhiều người sử dụng), trên máy tính công cộng,…
- KHÔNG cài đặt các phần mềm, công cụ tiện ích từ các trang web không tin cậy, không có bản quyền. Xóa các tiện ích mở rộng không rõ nguồn gốc hoặc khả nghi trên các trình duyệt hiện có.
- KHÔNG sử dụng các thiết bị di động đã bị phá khóa để tải và sử dụng phần mềm ứng dụng Internet Banking – Mobile Banking, phần mềm tạo OTP.
Lưu ý 3 dấu hiệu lừa đảo phổ biến
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do vậy, khách hàng phải luôn giữ tinh thần cảnh giác với các dấu hiệu lừa đảo như sau:
- Bất ngờ nhận được cuộc gọi, tin nhắn, email, tin trên mạng xã hội (facebook, zalo…) thông báo trúng thưởng, nhờ nhận tiền từ nước ngoài chuyển về… kèm theo hướng dẫn nhận thưởng bằng cách cung cấp mật khẩu dịch vụ, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), sau đó kẻ gian sẽ lợi dụng OTP và mật khẩu để chuyển tiền.
- Được người quen gửi tin nhắn trên mạng xã hội (ví dụ messenger, zalo…) nhờ chuyển tiền hoặc vay mượn tiền và đề nghị sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử để chuyển đến tài khoản lạ. Thực chất, tin nhắn trên mạng xã hôi là của kẻ gian đã đánh cắp (hack) của người quen.
- Bất ngờ nhận được cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là cán bộ điều tra hoặc bạn bè của người thân, trong đó có yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản nào đó để điều tra xác minh hoặc trả nợ thay cho người thân đang bị đe dọa tính mạng hoặc dính lứu đến pháp luật. Đây là các cuộc gọi lừa đảo để chiếm đoạt tiền.
Hãy nhanh chóng bắt kịp xu hướng số hóa để trở thành người tiêu dùng hiện đại, nhưng bạn cũng đừng quên các nguyên tắc bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của bạn trên môi trường số ngày nay.
Xem thêm: