BIDV phấn đấu đến năm 2010, tổng dư nợ cho vay khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 60 nghìn tỷ đồng

04/11/2008

BIDV phấn đấu đến năm 2010, tổng dư nợ cho vay khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 60 nghìn tỷ đồng

Ngày 03/11/2008, tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố thông tin về chương trình, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển các DNNVV, định hướng mở rộng, phát triển cho vay, tài trợ đối với DNNVV, đồng thời hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại bán lẻ hiện đại, dẫn đầu trong việc cung ứng tín dụng, dịch vụ cho các DNNVV, BIDV đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này. Tham dự buổi lễ có ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV, đại diện Ban lãnh đạo BIDV cùng đông đảo phóng viên báo chí.

I. Kết quả đạt được trong quan hệ thanh toán, tín dụng và dịch vụ đối với các DNNVV như sau:

Tại thời điểm cuối Quý III/2008 có 17.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có quan hệ với BIDV với tổng dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh, L/C là 43.527 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh, mở L/C của toàn hệ thống BIDV. Như vậy tính đến thời điểm cuối Quý 3/2008, số lượng DNNVV có quan hệ tín dụng tại hệ thống BIDV tăng thêm 1.368 Doanh nghiệp (tương đương tăng trưởng 12,7%) so với thời điểm cuối năm 2007. Nếu so với năm 2006, số lượng DNNVV tăng 3.618 doanh nghiệp (tương đương tăng trưởng 42,3%).

Nếu xét về quy mô quan hệ tín dụng đối với khối DNNVV: Tại thời điểm cuối Quý 3/2008, dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh, L/C của khối DNNVV tại BIDV tăng 6.346 tỷ đồng (tương đương tăng trưởng 17,1%) so với thời điểm cuối năm 2007. Nếu so với năm 2006, Dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh, L/C của khối DNNVV tăng 15.485 tỷ đồng (tương đương tăng trưởng 55,2%). Như vậy mức tăng trưởng tín dụng đối với khối DNNVV luôn cao hơn mức tăng bình quân của toàn hệ thống BIDV.

BIDV đã có chính sách chia sẻ khó khăn đối với các Doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay, giảm phí, thực hiện cơ chế linh hoạt về tài sản bảo đảm… Từ tháng 9/2008 đến nay, BIDV đã 06 lần giảm lãi suất cho vay, riêng đối với các DNNVV mức lãi suất cho vay đã giảm từ 21%/năm xuống còn 15%/năm (giảm 6%/năm), thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường 1%.

II. Mục tiêu và chính sách hỗ trợ đối với DNNVV: 1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu dài hạn:

Trở thành ngân hàng thương mại dẫn đầu trong cung ứng tín dụng, dịch vụ cho các DNNVV nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống người lao động, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

1.2. Mục tiêu ngắn hạn:

- Tài trợ vốn hỗ trợ duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV, ưu tiên các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác chế biến tài nguyên khoáng sản, đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ.

- Tư vấn tái cấu trúc tài chính, cơ cấu nợ, tăng năng lực tài chính đối với các Doanh nghiệp gặp khó khăn, đảm bảo hiệu quả cao nhất với mục đích duy trì hoạt động và tạo nền tảng phát triển sau khi các Doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

- Xây dựng các giải pháp xử lý đối với các Doanh nghiệp dự kiến sẽ mất khả năng thanh toán và đứng trước nguy cơ phá sản.

2. Chính sách hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV:

- Thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt: trên cơ sở lãi suất cơ bản từng thời kỳ, áp dụng cơ chế lãi suất ưu đãi đối với các DNNVV, đảm bảo mức lãi suất cho vay đối với các DNNVV thấp hơn từ 0,5% - 1%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường.

- Đa dạng hoá các hình thức cấp tín dụng: Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, như chương trình hoán đổi tiền tệ chéo VND-USD, chiết khấu bộ chứng từ…

- Áp dụng biện pháp bảo đảm linh hoạt: bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay, nguyên vật liệu tồn kho, quản chấp lô hàng… phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh và xếp hạng doanh nghiệp.

- Cho vay kết hợp với góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết với DNVVN: hình thức này vừa tạo điều kiện mở rộng tín dụng, vừa giúp Ngân hàng có điều kiện xâm nhập thị trường, trực tiếp giám sát, quản lý vốn cho vay. Hình thức này là rất hiệu quả và cũng nằm trong khả năng đầu tư, quản lý của Ngân hàng vì các DNVVN thường có quy mô về vốn và phạm vi hoạt động không lớn.

3. Nguồn vốn của BIDV hỗ trợ cho vay đối với khối DNNVV:

Để hỗ trợ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, BIDV sẽ dành riêng nguồn vốn với lãi suất hợp lý để hỗ trợ tín dụng (tăng dư nợ ròng) đối với các DNNVV trong giai đoạn 2008 – 2010 là trên 30.000 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2010, tổng dư nợ cho vay đối với khối DNNVV đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ của BIDV.

III. Một số kiến nghị:

2.1. Đối với Chính Phủ:

- Chính Phủ quy định lại các tiêu chí để xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

- Chính Phủ củng cố và phát triển các Quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương tạo điều kiện cho các DNNVV trong vay vốn. Đồng thời trong trường hợp các DNNVV gặp phải rủi ro không trả nợ được nợ vay ngân hàng thì các Quỹ bảo lãnh này sẽ đứng ra trả nợ thay. Hàng năm bổ sung nguồn vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng từ nguồn Ngân sách Nhà nước, nguồn của các định chế tài chính trong và ngoài nước…

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động doanh nghiệp, các giải pháp tín dụng, hải quan, thuế… tạo điều kiện tối đa để Doanh nghiệp có thêm thuận lợi nắm bắt và khai thác thời cơ trong sản xuất kinh doanh.

- Các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, dự báo thị trường để nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Tổ chức các lớp đào tạo cho các DNNVV về công tác tổ chức quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh trong xu thế hội nhập.

2.2. Đối với các Tỉnh/Thành Phố:

- Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thành lập, đăng ký kinh doanh, lập/thực hiện dự án đầu tư...

- Hỗ trợ về thủ tục cấp/cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất, miễn miễn giảm thuế… Đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các khu/cụm công nghiệp tạo điều kiện (nhất là điều kiện về mặt bằng đầu tư) cho các Doanh nghiệp đầu tư dự án cũng như duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Có kế hoạch phát triển kinh tế, tạo môi trường phát triển sản xuất kinh doanh ổn định cho các DNNVV.

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các DNNVV.

2.3. Đối với Hiệp hội DNNVV:

- Sớm thực hiện việc phân tích, đánh giá, phân loại các doanh nghiệp trong hiệp hội để Ngân hàng có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm khách hàng.

- Triển khai các công việc theo thoả thuận hợp tác giữa BIDV và Hiệp hội góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Ngân hàng và doanh nghiệp.

2.4. Đối với các DNNVV:

- Chấp hành nghiêm chỉnh Luật doanh nghiệp, Luật kế toán và các quy định về tài chính, kế toán của Nhà nước, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, cung cấp thông tin báo cáo chính xác và kịp thời cho các Tổ chức tín dụng khi có yêu cầu.

- Sử dụng vốn vay ngân hàng đúng mục đích, tuân thủ các nội dung trong Hợp đồng tín dụng.

- Phối hợp với Ngân hàng trong việc thẩm định kiểm tra trước trong và sau khi cho vay. Thiện chí, hợp tác với Ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

- Đổi mới và nâng cao trình độ quản trị điều hành doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

- Không ngừng đổi mới công nghệ, nắm bắt thông tin, chú trọng các sản phẩm hàng hoá làm ra phải có tính cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.

- Tích cực chủ động tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng đặc biệt là các dịch vụ tư vấn hỗ trợ về quản lý tài chính, lập dự án kinh doanh.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}