Kết quả hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam với Myanmar

21/12/2011

Kết quả hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam với Myanmar

Về kết quả hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam với Myanmar trong chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 các nước tiểu vùng Sông Mê Kông từ ngày 19- 21/12/2011.

Với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM) và sự quan tâm trách nhiệm, nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam đã quyết tâm và kiên trì trong khảo sát, nghiên cứu thị truờng và đàm phán với các đối tác Myanmar; đồng thời cùng với sự đổi mới hết sức tích cực đã thực sự mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Myanmar, các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt những kết quả tích cực với việc ký kết và trao giấy phép trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bất động sản, khai khoáng trong chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ:

1. Về lĩnh vực nông nghiệp:

- Liên doanh trong lĩnh vực sản xuất giống và kinh doanh nông nghiệp của công ty Viettranimex với đối tác là Công ty Sann Shwe Li Co .Ltd. Tổng mức đầu tư dự kiến 15 triệu USD, triển khai trên diện tích 10.000 ha tại Nay Pyi Taw. Hiện Viettranimex đang trồng trình diễn 12 giống lúa tại trang trại của Tổng thống và Công ty Sann Shwe li. Ruộng lúa thử nghiệm phát triển rất tốt, gây được tiếng vang lớn trong Chính phủ Myanmar và được Bạn đánh giá rất cao.

- Liên doanh đầu tư khu phức hợp dịch vụ nông nghiệp giữa Vinacapital, Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang và Công ty Green Asia của Myanmar bao gồm trồng, cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhà máy xay sát lúa gạo (công suất có thể mở rộng đến 250 ,000 tấn), sản xuất bao bì, mì gói, sản xuất nông sản xuất khẩu… tại huyện East-Dagon, Yangon. Tổng mức đầu tư dự kiến 55 triệu USD được chia làm 3 giai đoạn; Giai đoạn 1 dự kiến 15 triệu USD bao gồm nhà máy xay xát gạo (công suất 100.000 tấn/năm) và hệ thống kho chứa, nhà máy sản xuất bao bì, mì gói và trang trại sản xuất lúa giống.

2. Về lĩnh vực bất động sản: Dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên diện tịch 8 ha tại Yangon; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD. Thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm.

3. Về lĩnh vực sản xuất dược phẩm: Dự án liên doanh sản xuất dược phẩm giữa Tập đoàn ASV Pharma Corporation và Công ty Myanmar Entrepreneur Investment Group với tổng mức đầu tư ước tính 20 triệu USD tại Yangon, sản xuất các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiêm và dịch truyền.

Chính phủ Myanmar đánh giá rất cao hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ trên tinh thần hai bên cùng có lợi; đồng thời mong muốn Việt Nam tiếp tục giúp Myanmar sớm có một nền nông nghiệp phát triển, góp phần nâng cao mức sống của người dân tương tự như mô hình và cách làm của Việt Nam.

Bên cạnh những dự án đã ký kết liên doanh được cấp phép, một số những dự án khác của các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến cũng sẽ đạt được liên doanh và cấp phép trong thời gian tới với sự ủng hộ, hỗ trợ từ Chính phủ Myanmar như dự án khai thác đá marble của Simco Sông Đà, sản xuất mía đường, trồng và chế biến bông, nhà máy sản xuất bia, nước giải khát, nhà máy sản xuất xi măng; sản xuất thiết bị nội thất…

Kết quả sau hội đàm giữa Tổng thống Thein Sein và Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng sẽ mở ra triển vọng tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Việt Nam nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường Myanmar, phát triển bền vững và ngày càng mở rộng, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Myanmar.

Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch AVIM, so với hơn 1 năm trước đây Chính phủ Myanmar có quyết tâm rất cao về việc sửa đổi cơ chế chính sách trong đầu tư nước ngoài với mục đích nhanh chóng đưa Myanmar trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Myanmar có thiện chí, dành tình cảm chân thành và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Myanmar và Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong thời gian tới đây, sau khi thiết lập quan hệ bình thường hợp tác quốc tế, việc đầu tư vào Myanmar của các quốc gia rất sôi động và mang tính cạnh tranh cao; Với lợi thế trong quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam cần thúc đẩy ký kết hiệp định như Hiệp định bảo hộ khuyến khích đầu tư, chống đánh thuế 2 lần, thuế quan, miễn thị thực Visa… Các Bộ ngành liên quan của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Bưu chính viễn thông cần sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác với các Bộ đối tác của Bạn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ và khung pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần nhanh chóng thúc đẩy hoạt động đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và phía bạn quan tâm như lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp (cao su, mía đường, …), cây nông sản…

Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam cần kiên trì bền bỉ trong việc thăm dò khảo sát và tăng cường hiểu biết, nắm vững, cập nhật sự thay đổi về cơ chế, chính sách và luật pháp Myanmar để chủ động trong quá trình đàm phán và hợp tác với phía bạn theo nguyên tắc an toàn, bền vững hai bên cùng có lợi với sự chân thành và thiện chí. Tin tưởng rằng với cơ hội và vận hội trong những năm tới, hợp tác kinh tế - du lịch - thương mại - đầu tư của Việt Nam vào Myanmar sẽ có bước đột phá hiệu quả. AVIM và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar luôn là địa chỉ tin cậy cho các Nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}