Hội thảo “Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với dịch vụ chuyển tiền cho người lao động ở nước ngoài”

11/06/2005

Hội thảo “Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với dịch vụ chuyển tiền cho người lao động ở nước ngoài”

Sáng ngày 10/6, BIDV phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước tổ chức cuộc hội thảo “Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với dịch vụ chuyển tiền cho người lao động ở nước ngoài”. Tham dự hội thảo có ông Lê Đào Nguyên – Phó Tổng giám đốc BIDV; ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc Trung tâm thông tin tư vấn - Cục quản lý lao động ngoài nước; ông Tay Hong Heng – Tổng giám đốc VID Public Bank; ông Lee In Seok – Giám đốc Korea Exchange Bank Hà Nội; đại diện 22 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn Hà Nội và một số cơ quan báo chí.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, 6 tháng đầu năm 2005, Việt Nam đã đưa gần 30.000 người đi xuất khẩu lao động, dự kiến trong năm nay, số lao động đi xuất khẩu sẽ là khoảng 70.000 người. Vì vậy, nhu cầu chuyển tiền của người lao động ngày càng lớn. Việc hỗ trợ dịch vụ chuyển tiền cho người lao động Việt nam của ngân hàng cũng nhằm góp phần đảm bảo cho giá trị mà người lao động đã làm ra và tích luỹ.

Thời gian qua, BIDV đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích người lao động chuyển tiền qua ngân hàng như đảm bảo thời gian chuyển tiền nhanh chóng, an toàn với mức phí thấp nhất (chỉ bằng 0,05% trị giá món tiền gửi về)... Ngoài ra, với mạng lưới 200 chi nhánh trên toàn quốc và quan hệ đại lý với hơn 800 ngân hàng, quan hệ tài khoản với 40 ngân hàng lớn trên toàn thế giới BIDV có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng ở mọi nơi và mọi thời điểm. 

Do đa số người có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài sống ở nông thôn, đời sống khó khăn nên BIDV còn có chính sách cho vay đến 50%, 70% thậm chí 100% tổng chi phí hợp pháp phụ thuộc vào tổng chi phí cần thiết, hợp pháp và tài sản đảm bảo của người lao động (nếu có). Trong trường hợp người lao động không có tài sản đảm bảo, theo quy định của Nhà nước, BIDV có thể cho vay tối đa 20 triệu VND. Đây cũng là vấn đề được đa số đại biểu tham dự hội thảo quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, về lý thuyết, người lao động có thể vay ngân hàng tối đa 20 triệu đồng khi không có tài sản đảm bảo nhưng trên thực tế rất ít khi ngân hàng cho vay nếu không có căn cứ đảm bảo việc thu hồi nợ. Ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu lao động đứng ra bảo lãnh, song lượng người đi xuất khẩu lao động thông qua một doanh nghiệp là rất lớn nên doanh nghiệp không thể bảo lãnh cho tất cả. Đây chính là khó khăn của người lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Để giải quyết vấn đề này cần có sự can thiệp bằng những quy định cụ thể của Chính phủ, tuy nhiên dưới góc độ quan hệ giữa ngân hàng với người lao động và doanh nghiệp, cần có sự hợp tác tìm kiếm giải pháp thích hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm về dịch vụ chuyển tiền của ngân hàng, đại diện VID – PUBLIC BANK và KEB Hà Nội cho rằng cần dựa vào lợi thế công nghệ của ngân hàng mẹ ở nước ngoài để có được một mạng lưới trực tuyến. Ngoài ra cũng cần tích cực tiếp cận giới thiệu dịch vụ với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sở tại, đây là một yếu tố rất quan trọng để đưa sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tới với người lao động.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó tổng giám đốc Lê Đào Nguyên cảm ơn ý kiến đóng góp của các ngân hàng đối tác, các doanh nghiệp; đồng thời đề xuất: doanh nghiệp và ngân hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để những dịch vụ, tiện ích của ngân hàng đến được với người Việt Nam lao động ở nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh được hoạt động, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt nam ở nước ngoài.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}