Hội thảo thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025

24/04/2025
Ngày 22/4/2025, BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phối hợp đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.

Nối tiếp 3 lần tổ chức thành công trước đó, Báo cáo tiếp tục đưa ra các đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao hàm các lĩnh vực Ngân hàng – Chứng khoán – Bảo hiểm, giúp nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam.

 PTGĐ Trần Phương phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo và Báo cáo tập trung vào ba nội dung chính: (i) đưa ra nhận định về thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025; (ii) thực trạng và khả năng phát triển thị trường TPDN Việt Nam; (ii) các diễn giả, chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị chính sách.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV phát biểu tại Hội thảo

                                                THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM 2024 VÀ TRIỂN VỌNG 2025

UVHĐQT Nguyễn Văn Thạnh, Trân Xuân Hoàng và PTGĐ Trần Phương tham dự Hội thảo

Năm 2024, kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng thiếu đồng đều. Lạm phát hạ nhiệt, tạo điều kiện để các NHTW bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, dù vẫn thận trọng do rủi ro chiến tranh thương mại – công nghệ. Tại Việt Nam, NHNN thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Theo đó, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 đạt 7,09%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%, tín dụng tăng 15,08%, tỷ giá biến động mạnh nhưng trong tầm kiểm soát. Lãi suất huy động tăng nhẹ (0,2-0,3%) trong khi mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,96% so với đầu năm theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định. Huy động vốn của các TCTD tăng 10,5%, lợi nhuận trước thuế của 27 NHTM niêm yết tăng 17,2%, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực (VN-Index +12,11%), thị trường TPDN phục hồi mạnh (466,5 nghìn tỷ đồng phát hành, +27,7%). Ngành chứng khoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 32%, trong khi lợi nhuân của các DN bảo hiểm phân hóa do tác động của bão Yagi.

Bên cạnh các kết quả tích cực, hệ thống tài chính vẫn đối mặt nhiều thách thức: nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm, áp lực vốn lớn, lợi nhuận ngành bảo hiểm và chứng khoán thiếu bền vững. Ngoài ra, rủi ro an ninh mạng gia tăng, khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số và sandbox chưa hoàn thiện.

Bối cảnh quốc tế năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động và bất định do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ. Kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là vấn đề về thuế quan. Trong kịch bản cơ sở, nếu thuế đối ứng Mỹ-Việt giảm xuống 20–25%, GDP Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,5–7%. Nếu thuế chỉ còn 10%, tăng trưởng có thể đạt 7,5–8%; trong trường hợp thuế giữ mức 46%, tăng trưởng chỉ đạt 5,5–6%.

Với bối cảnh trên, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với một số rủi ro, thách thức. Tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14–15% (do lực cầu và hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu, thị trường BĐS phục hồi còn chậm với giá BĐS còn cao, vượt nhiều khả năng chi trả của người dân). Tỷ giá USD/VND dự báo còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co với mức tăng khoảng 3-4% trong cả năm. Lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng 15–20% (thấp hơn 2024). Lãi suất được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp với lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ theo chỉ đạo của CP và NHNN. Thị trường cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và kết quả của doanh nghiệp niêm yết khả quan. Lĩnh vực bảo hiểm được dự báo phục hồi khi các tác động tiêu cực của siêu bão Yagi dần được giải quyết và niềm tin phục hồi.

Về khía cạnh thể chế, khung pháp lý cho lĩnh vực tài chính được dự báo sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, có thể kể đến như chính sách quản lý tài sản số, tiền kỹ thuật số dự kiến sẽ sớm được ban hành, Luật các TCTD 2024 được sửa đổi theo hướng lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu  nhằm thay thế Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi và chuyển đổi xanh, thực hành ESG sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Mặc dù vậy, thị trường tài chính năm 2025 vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm kiểm soát như: những biến động trên thị trường quốc tế (đặc biệt là vấn đề thuế quan của Mỹ), tác động mạnh đến nền kinh tế và thị trường tài chính, bao gồm dòng vốn FDI và đầu tư gián tiếp (FII); áp lực TPDN đáo hạn vẫn khá lớn (Nhóm BĐS chiếm gần 56% tổng số); nợ xấu chịu nhiều áp lực tăng; rủi ro liên thông giữa thị trường BĐS và thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn.

THỰC TRẠNG VÀ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Giai đoạn 2019–2021, thị trường TPDN tăng trưởng nhanh (hơn 50%/năm), đưa tổng dư nợ lên khoảng 14,75% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng và khung pháp lý thiếu hoàn thiện đã dẫn đến hàng loạt vi phạm, niềm tin nhà đầu tư sụt giảm và áp lực đáo hạn lớn. Từ 2022, Chính phủ và Bộ Tài chính đã triển khai loạt biện pháp điều tiết và tái cấu trúc thị trường, giúp thanh khoản và khối lượng phát hành phục hồi trong năm 2023–2024. Dù vậy, thị trường TPDN vẫn còn nhiều tồn tại: phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ, chất lượng nhà đầu tư chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng thị trường yếu, phân nhóm tín nhiệm chưa rõ ràng.

Thị trường TPDN năm 2025 được kỳ vọng sẽ tích cực hơn nhờ điều kiện vĩ mô ổn định, lãi suất thấp và khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện. Việc tháo gỡ các nút thắt về thủ tục, minh bạch thông tin và xếp hạng tín nhiệm sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của thị trường TPDN.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH TỪ CHUYÊN GIA VÀ DIỄN GIẢ

Các chuyên gia tham dự Hội thảo

Nhóm thực hiện Báo cáo và các chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị chính sách, tập trung vào 3 vấn đề chính: (i) một số kiến nghị chung, (ii) giải pháp ổn định và phát triển thị trường tài chính, và (iii) giải pháp phát triển thị trường trái phiếu tại Việt Nam.

Nhóm kiến nghị chung bao gồm: (i) Tiếp tục đột phá cải cách thể chế, nâng cao sức chống chịu nền kinh tế; (ii) Chủ động đàm phán thương mại với Mỹ để giảm thuế đối ứng, giải quyết các rào cản và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương; (iii) Xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ và minh bạch hóa vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; (iv) Các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng tăng tính tự lực, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Nhóm kiến nghị nhằm ổn định và phát triển thị trường tài chính bao gồm: (i) Phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, giảm bớt phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng; (ii) Thúc đẩy sự phát triển và sớm nâng hạng TTCK; (iii) Gia tăng khả năng cung ứng và hấp thụ vốn của nền kinh tế; (iv) Gia tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khuyến khích phát triển tài chính xanh, số và quản trị dữ liệu theo Nghị quyết 57/NQ-TW; (v) Tăng cường phối hợp kiểm soát rủi ro hệ thống giữa các cơ quan chức năng

Một số kiến nghị nhằm phát triển thị trường TPDN bao gồm cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, vấn đề cấp bách là giải quyết vấn đề TPDN đáo hạn, cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành ra công chúng, lấy lại niềm tin nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nên bổ sung chính sách khuyến khích và công bố thông tin xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho DN phát hành TPDN), có phân nhóm tiêu chí yêu cầu xếp hạng tín nhiệm. Về dài hạn, 5 nhóm giải pháp chính bao gồm: (i) Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu, bao gồm cả thị trường TPCP nhằm tạo chuẩn (benchmark) về lãi suất; (ii) Hoàn thiện hạ tầng cho thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo; (iii) Hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường; (iv) Đa dạng hóa và cải thiện chất lượng nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp; (v) Việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}