Cán bộ đầu tiên trong ngành ngân hàng đạt chứng chỉ quốc tế GARP SCR về Quản lý rủi ro ESG

23/07/2025
Chị Nguyễn Thị Thái Linh - Chuyên viên tại Ban Quản lý rủi ro toàn hàng - vừa trở thành cán bộ đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt Nam đạt chứng chỉ Sustainability and Climate Risk (gọi tắt là SCR). Đây là chứng chỉ uy tín quốc tế về quản lý rủi ro ESG do Hiệp hội các chuyên gia quản lý rủi ro toàn cầu cung cấp, với tỷ lệ thi đỗ khá thấp - khoảng hơn 60%. Thành tích này không chỉ là dấu ấn của cá nhân chị Thái Linh, mà cũng là minh chứng rõ nét cho thấy nỗ lực của người BIDV trong việc hiện thực hoá khát vọng đưa BIDV trở thành ngân hàng “Xanh” hàng đầu khu vực. Trong số này, phóng viên Bản tin Đầu tư Phát triển đã có cuộc trò chuyện với chị Thái Linh về hành trình chinh phục SCR, cũng như lắng nghe góc nhìn của một người tiên phong trong hoạt động quản lý rủi ro ESG tại BIDV.

Hành trình chạm tay đến chứng chỉ GARP SCR

Có được chứng chỉ SCR chắc hẳn là một hành trình khá thử thách với chị Linh. Vậy khi biết mình đỗ chứng chỉ, lại còn là người đầu tiên trong ngành, suy nghĩ đầu tiên của chị là gì?

- Tôi vẫn nhớ rõ khoảnh khắc biết tin mình đỗ chứng chỉ. Lúc ấy tôi đang đi chơi Trung Quốc cùng với ban. Mặc dù không lập tức nói với ai, nhưng trong lòng cảm thấy vừa vui, vừa nhẹ nhõm. Vui vì gần một năm rưỡi nỗ lực ôn thi đã được đền đáp. Còn nhẹ nhõm vì thành thật mà nói, tôi từng thi trượt chứng chỉ này một lần. Vượt qua được thất bại đó, tôi thấy biết ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì có thể mở ra một hướng đi cho những đồng nghiệp cùng đam mê và định hướng đến quản lý rủi ro bền vững.

Một năm rưỡi để đạt được chứng chỉ này là khoảng thời gian không ngắn. Trong suốt khoảng thời gian đó, đâu là lúc mà chị cảm thấy chật vật, khó khăn nhất?

- Thực ra khó khăn lớn nhất không nằm ở khối lượng kiến thức, dù đúng là nó rất mới, nhiều và học thuật. Cái khó nhất là sự kiên trì. Kiên trì để không bỏ cuộc giữa chừng.

Lúc mới tiếp cận chứng chỉ này, tôi cảm thấy khá lạc lõng bởi ở Việt Nam gần như không có tài liệu, cũng không rõ có ai đi trước để hỏi han, chia sẻ kinh nghiệm. Mọi thứ đều phải mày mò từ đầu, từ cách học, đến tìm hiểu cấu trúc bài thi. Rồi đến giai đoạn ôn thi, như một cuộc chạy marathon vậy. Tôi thường đi làm về vào lúc 7h-7h30 tối, có hôm cơm ăn chưa xuôi thì 8h đã phải ngồi vào bàn học một lèo 5 tiếng đồng hồ với giáo viên người Mỹ. Nhiều đêm tôi phải dùng đến cà phê, bò húc… để giữ tinh thần tỉnh táo. Trong khi đó, công việc ở cơ quan cũng không ít, có thể nói là áp lực kép cả ngày lẫn đêm.

Chưa kể, kỳ thi SCR lại vào thời điểm con gái tôi ôn thi cuối kỳ. Là mẹ, nhiều lúc tôi cũng hơi áy náy vì không thể kèm con học như mọi khi.

Nhưng may mắn là cuối cùng tôi cũng vượt qua rồi.

Chị Nguyễn Thị Thái Linh - Chuyên viên Ban Quản lý rủi ro toàn hàng

Thi chứng chỉ để đáp ứng cho công việc

Giữa bộn bề công việc, áp lực cuộc sống, điều gì thôi thúc chị theo đuổi một chứng chỉ “khó nhằn” và còn rất mới mẻ ở Việt Nam như vậy?

- Trước khi nói đến chứng chỉ hay công việc, thì tôi là người quan tâm đến phát triển bền vững và vốn dĩ tôi là người yêu thiên nhiên, luôn cảm thấy gắn bó với những vấn đề môi trường.

Năm 2024, trong quá trình được giao nghiên cứu dự án quản lý rủi ro ESG, tôi biết đến chứng chỉ SCR. Càng tìm hiểu, tôi càng nhận ra đây là một chứng chỉ có giá trị thực sự đối với người làm quản lý rủi ro. Nhiều chuyên gia tại các ngân hàng lớn như Citibank, BNP Paribas, HSBC… cũng đã lựa chọn học và thi chứng chỉ này.

Bên cạnh đó, lần đầu thi trượt càng khiến tôi thêm tin tưởng vào chất lượng của SCR. Nội dung học bao quát gần như toàn bộ các vấn đề trong quản lý rủi ro khí hậu, nhiều phần phù hợp với lĩnh vực ngân hàng. Bài thi không thể học vẹt, buộc phải hiểu và biết vận dụng vào thực tế.

Và động lực lớn nhất để tôi phải có chứng chỉ này đến từ định hướng ở BIDV. Chủ tịch Phan Đức Tú đã nhiều lần nhấn mạnh việc xây dựng BIDV trở thành ngân hàng “Xanh” gắn với phát triển bền vững. Và khi tổ chức đã chọn con đường ấy - cũng là điều tôi thấy tin tưởng và phù hợp với góc nhìn cá nhân - thì tôi muốn được góp một phần sức lực vào hành trình chung đó.

Tập thể Ban Quản lý rủi ro toàn hàng BIDV

Với góc nhìn của một người vừa thi đỗ một chứng chỉ quốc tế về quản lý rủi ro ESG, theo chị, đâu là những rủi ro ESG mang tính hệ thống mà BIDV đang phải đối mặt?

- Theo tôi, có 3 loại rủi ro mà chúng ta cần lưu tâm.

Cấp bách nhất chính là rủi ro chuyển đổi. Thực tế nó đã xảy ra rồi. BIDV đang chứng kiến khách hàng của mình gặp thử thách trước các chính sách ngày càng nghiêm ngặt về môi trường, đặc biệt là các yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Ví dụ, châu Âu đã áp dụng thuế carbon biên giới (CBAM), khiến cho các hàng hoá xuất khẩu có lượng phát thải cao như thép, xi măng, hoá chất gặp khó khăn. Ngay tại Việt Nam, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 119 vào tháng 6 vừa qua, yêu cầu đến cuối năm phải phân bổ hạn ngạch phát thải cụ thể cho các ngành như nhiệt điện, xi măng, sắt thép. Những doanh nghiệp phát thải vượt hạn ngạch sẽ bị phạt hành chính và còn phải tính thêm vào năm tiếp theo.

Cùng với đó, công nghệ và thị hiếu tiêu dùng cũng đang thay đổi nhanh chóng. Ví dụ dễ thấy nhất là thị trường xe điện, chỉ trong vòng một năm mà doanh số đã tăng gấp đôi, thị phần xe điện hiện chiếm tới 25% tổng xe hơi bán ra tại Việt Nam. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh, điều này trực tiếp gây áp lực lên doanh nghiệp vay vốn tại BIDV.

Rủi ro thứ hai là rủi ro vật lý liên quan đến biến đổi khí hậu. BIDV đang cho vay các ngành như nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch và hạ tầng giao thông. Tất cả các ngành này đều đang chịu tác động trực tiếp từ thời tiết cực đoan, ngày càng khó lường. Ví dụ ngành cà phê ở Tây Nguyên liên tục gặp hạn hán, lũ lụt thất thường khiến sản lượng giảm mạnh. Ngành thuỷ sản cũng vậy. Với hạ tầng giao thông, khoảng 9% chiều dài tuyến đường sắt Bắc - Nam đang chịu rủi ro sạt lở cao; hay nếu nước biển dâng chỉ một mét thì rất nhiều quốc lộ, tỉnh lộ cũng bị ngập sâu. Du lịch biển cũng bị tác động mạnh khi hệ sinh thái san hô ở Nha Trang, Phú Quốc bị tẩy trắng hàng loạt.

Cuối cùng là rủi ro danh tiếng. Nếu BIDV tiếp tục tài trợ cho các dự án không tuân thủ các chuẩn mực ESG quốc tế như gây ô nhiễm môi trường hay vi phạm quyền con người thì chắc chắn sẽ bị cộng đồng và thị trường đánh giá tiêu cực.

Theo chị, để quản trị tốt rủi ro ESG, chúng ta cần hành động như thế nào? Chị có khuyến nghị cụ thể gì với công tác đào tạo nói chung và các đồng nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này?

  - Tôi nghĩ để quản trị tốt rủi ro ESG, thì mỗi bộ phận chuyên môn như quản lý rủi ro, thẩm định tín dụng, sản phẩm, chiến lược, thị trường carbon, kiểm toán hay công bố thông tin… đều nên có ít nhất 1-2 người thực sự hiểu sâu về ESG. Những người này sẽ giống như đầu tàu, dẫn dắt về mặt chuyên môn của bộ phận mình. Lý tưởng nhất là họ cũng đạt được các chứng chỉ quốc tế phù hợp. Ví dụ như với quản lý rủi ro là chứng chỉ GARP SCR, còn lĩnh vực đầu tư có thể là chứng chỉ CFA ESG Investing.

 Về khuyến nghị cụ thể, tôi nghĩ BIDV có thể làm hai điều này để công tác đào tạo thực sự hiệu quả hơn:

 Đầu tiên, các bộ phận nghiệp vụ nên chủ động tìm kiếm những khoá đào tạo về phát triển bền vững sát với chuyên môn của mình, phối hợp cùng Viện Đào tạo và Nghiên cứu để triển khai hoặc mời trực tiếp các chuyên gia về giảng dạy. Ví dụ Ban KDV&TT vừa qua cũng mời chuyên gia từ VNEEC về đào tạo riêng về đo lường phát thải. Bản thân tôi cũng từng chủ động tìm khoá học SCR rồi đề xuất Viện Đào tạo triển khai.

Còn một điều nữa, có thể sẽ hơi tế nhị một chút nhưng tôi nghĩ BIDV cần đơn giản hoá thủ tục hỗ trợ chi phí cho việc thi chứng chỉ quốc tế. Chi phí thi và học các chứng chỉ này khá tốn kém, từ vài trăm đến cả nghìn USD. BIDV đã có chủ trương hỗ trợ nhưng các quy trình vẫn còn phức tạp. Nếu đơn giản hoá quy trình này thì mọi người sẽ có thêm động lực để quyết tâm ôn tập và tham gia thi lấy chứng chỉ.

 Về lâu dài, tôi nghĩ BIDV nên cân nhắc xây dựng một bộ phận chuyên sâu về phát triển bền vững - tại các ngân hàng quốc tế gọi là Center of Excellence.

Cuối cùng, gọi là mục tiêu trong mơ đi, tôi nghĩ rằng rồi sẽ tới lúc phát triển bền vững không còn là điều gì xa vời. Đó sẽ là thứ mà chúng ta áp dụng thường ngày, giống như “cơm ăn ba bữa” vậy. Khi đó, mọi quyết định của chúng ta đều sẽ cân nhắc đến yếu tố bền vững chứ không chỉ mỗi lợi nhuận. Để đạt được điều đó, tôi nghĩ BIDV cần có thêm các khoá đào tạo mang tính phổ cập về ESG, đơn giản nhất là các khoá đào tạo cán bộ tín dụng mới cần phải có các nội dung về đánh giá rủi ro môi trường và xã hội. Quan trọng nữa là chúng ta cần xây dựng một văn hoá về phát triển bền vững thật sự mạnh mẽ.

Quản trị rủi ro nên là một cơ chế thường trực trong công việc và cuộc sống

Ngoài lề một chút, là một chuyên viên quản lý rủi ro, chắc hẳn chị Linh là người có tư duy rất logic và cẩn trọng. Vậy tư duy đó có ảnh hưởng nhiều đến cách chị nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống thường ngày không?

- Ôi, có đấy. “Bệnh nghề nghiệp” mà. Nhiều khi đúng là nhìn đâu cũng thấy rủi ro. Ví dụ như ở nhà, sắp xếp cái bàn, cái ghế cũng phải nghĩ xem lối đi đó có vướng không, ổ điện có an toàn đối với con không. Rồi nghĩ đến chuyện đầu tư cá nhân, yếu tố an toàn cũng được đặt lên hàng đầu. Hay chuyện đi lại hàng ngày cũng vậy, mình cũng sẽ lường trước các tình huống ở trên đường. Tôi nghĩ quản trị rủi ro nên là một cơ chế thường trực trong công việc và cuộc sống của mỗi người. Nó như là một cách để mình sống, làm việc có chủ đích và không bị động.

Nhưng mà nếu luôn cẩn trọng như vậy, có khi nào chị lo rằng mình sẽ không bao giờ dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình?

- Nhiều khi tôi cũng nghĩ về điều này, cái gọi là “khẩu vị rủi ro”. Vấn đề không phải là có rủi ro hay không, mà là chúng ta chấp nhận rủi ro ở mức nào, và cái giá phải trả so với lợi ích thu về là gì. Cũng như việc tôi thi lại lần thứ 2 chứng chỉ này vậy. Rủi ro là tôi có thể thất bại, mất thời gian, tiền bạc. Nhưng lợi ích là tôi sẽ trở thành người đi đầu, và việc có chứng chỉ này sẽ phục vụ trực tiếp cho công việc của tôi.

Nghe chị Linh chia sẻ, tôi cảm nhận được rất nhiều tâm huyết mà chị dành cho phát triển bền vững, quản lý rủi ro ESG. Vậy sau cột mốc này, chị dự định gì cho chặng đường sắp tới của mình?

- Trước mắt, tôi vẫn đang chờ chỉ đạo của Ban lãnh đạo về triển khai dự án quản lý rủi ro ESG. Khi dự án được triển khai, tôi mong muốn bản thân mình sẽ là một trong những nhân sự chính của dự án và triển khai dự án tốt nhất có thể để giúp BIDV trở thành ngân hàng “Xanh” đi đầu.

Ngoài ra, tôi cũng đang tìm kiếm các khoá học ngắn ngày có tính ứng dụng cao. Nó liên quan đến việc đi thực địa, nhận diện rủi ro môi trường, xã hội tại các doanh nghiệp sản xuất. Những kiến thức này sẽ rất hữu ích và có thể cung cấp cái nhìn thực tế cho cán bộ xây dựng chính sách quản lý rủi ro trong ngành ngân hàng như tôi.

Tôi cũng có định hướng học cao học trong ngành này. Tuy nhiên, tôi cũng đang tìm thêm xem có chương trình nào hay, có tính thực tiễn cao và chi phí học hợp lý. Suy cho cùng, việc học tập là để ứng dụng hiệu quả vào công việc, chứ không phải chỉ để lấy bằng cấp.

Xin cảm ơn chị!

 

Kết quả gợi ý
Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Tìm thấy Kết quả
Συμπληρωματικό περιεχόμενο
${loading}