Nam Mỹ, với di sản lừng danh là các vũ công Samba bốc lửa, với lễ hội hóa trang và phong cách sống hoang dại phiêu bồng. Vượt qua các khu ổ chuột đứng vào tầm quán quân thế giới, đi qua nạn trộm cướp ngông nghênh và thứ thiệt, tôi trở về gần như sắp quên mất thói quen khoác máy ảnh tân kỳ ở cổ và đeo đồng hồ Thụy Sỹ ở tay. Bởi bất kỳ lúc nào tôi hứng chí làm hai việc đó, là lập tức bạn đồng hành hoặc người tử tế ở Sao Paulo hay Rio De Janeiro (Brazil) cảnh báo ngay lập tức. Bạn đồng hành của tôi bị cướp mất chiếc điện thoại nghìn đô và mất cả hộ chiếu.
Các bức tranh khổng lồ và ám ảnh
Bù lại, sự luộm thuộm phóng túng đó, khi được đẩy vào nghệ thuật đường phố (Street Art), nó đã tạo nên một sức quyến rũ của các chuyến đi hoang phiêu linh nhất. Các bức vẽ nghệ thuật đường phố (graffiti) ở Brazil luôn được các cuộc bầu chọn của loài người xếp vào TOP các “điểm đến” ấn tượng nhất, với sự thả rông trí tưởng tượng và sự sáng tạo đang kinh ngạc nhất. Nhiều tờ báo lớn xưng tụng đó là các “kỳ quan đường phố” của Brazil. Cứ chỗ nào trống, từ cây cột điện tròn xám ngoét đến gầm cầu đầy xú uế, hay bãi rác rồi gốc cây khuất nẻo đứng cù rù bệ rạc, là người ta xông vào vẽ. Nét vẽ như cành dương liễu phẩy sức sống lạ lùng cho không gian và lòng khách lãng du.
Đang đi đường, bạn sừng sỡ trước một gương mặt đẹp to bằng tòa nhà 7 tầng. Màu sắc rộn ràng, đôi mắt của mỹ nhân thương mến và to lớn vượt ra khỏi mọi chiều kích của sự tưởng tượng. Tôi để ý, mắt nàng to bằng một căn hộ chung cư. Có khi, cả một đầu đốc khu biệt thự cổ, họ vẽ gương mặt một cầu thủ bóng đá lừng danh trong phút xuất thần kiểu người ngoài hành tinh đột nhập sân cỏ. Có khi, cô nàng ăn mặc sexy, bước ra từ một trò gameonline nổi tiếng, nàng ngồi và cặp đùi như cái củ xả trắng muốt trong bữa tiệc thịt chó của gã phàm phu. Trời ạ, chân nàng vắt sang hai bên, nó là hai cái cửa chính và cửa sổ tầng 2 của một tòa villa, chúng tô thăm tòa nhà thì đi ở… bên dưới. Cạnh bên là gã cướp biển lừng danh trong các siêu phẩm điện ảnh, gã lãng tử chột mắt đeo kính đen, râu vểnh lên rất hài hước. Hầm đi bộ, hầm chui cho xe ô tô ở các khu phố chính. Xóm liều tối mịt cả lúc ban ngày. Bãi rác thối như trong ngày tận thế. Chỗ nào các họa sỹ tự do cũng vẽ. Có khi là người dơi, người nhện, có khi là vua bóng đá Pele, có khi là một đàn ong thương mến mà mỗi cô chú to bằng chiếc trực thăng rực màu bay trên bờ tường một tòa cao ốc.
Đặc biệt nhiều là hình ảnh chị em phụ nữ, phụ nữ chưa bao giờ thôi ám ảnh mọi sự sáng tạo, nhất là ở xứ sở của các đường cong bốc lửa như Brazil. Có mỹ nhân mặc bikini, cơ bắp cuồn cuộn như võ sỹ quyền anh, trong khi lại mang gương mặt râu ria của một con mèo cái như đã thành tinh. Có em môi dày digan, mắt to, sâu thăm thẳm và nói như Thần thoại Hy Lạp, “mắt đẹp và ướt như mắt một chị bò cái”. Nàng chỉ hiện ra lộng lẫy nửa gương mặt, một mắt, nửa mũi, nửa môi, không còn “mảnh” nào khác nữa. Cằm nàng tựa xuống hè phố, mắt to bằng cái đèn pha ô tô, môi đỏ mọng như một giấc mộng phiêu dạt điên cuồng. Cạnh đó là gã bán hàng ế khách mặc quần áo bò (jean), gối đầu lên hòn gạch ở đúng vị trí vành môi mỹ nữ khổng lồ lả lướt, còn hắn thì… khò khò ngủ ngày. Cuộc sống luôn trớ trêu thế.
Nghệ thuật đường phố, hoặc còn gọi đơn giản là trò vẽ tranh tường, bao năm qua vẫn bị nhiều điều tiếng. Quả là, cứ xách bình sơn, bình xịt màu mè đi mà bạ đâu vẽ đó, có bức cao dăm bảy chục mét, có bức vẽ lên cả nóc nhà vệ sinh hay thùng rác hay cửa cuốn nhà người ta, thì khối người lên án cũng phải. Bản thân Việt Nam ta, nhiều tổ chức cũng đi xóa không ít các họa phẩm kiểu “nghệ thuật đường phố bôi bẩn”. Ở Sao Paulo cũng vậy, khi một họa sỹ đường phố, kể cả đã danh tiếng lừng lẫy, hễ anh ta cầm bình sơn ra là có người hoan hô chào đón rồi, chưa bao giờ anh ta vẽ bẩn và vẽ xấu cái gì. Song, ngay cả khi ấy, chàng muốn vẽ chính quy tác phẩm lớn đều phải xin phép và trình bày ý tưởng khá mất thời gian với chính quyền sở tại. Nhiều con phố, chúng tôi chụp ảnh và so sánh qua vài năm, hàng trăm bức vẽ bị xóa, bị các công trình dài che chắn mất cả con phố graffiti. Đó là mục đích dọn sạch đường phố của chính quyền Sau Paulo hẳn hoi.
Vẫn phải dùng lại cái cụm từ “thả rông trí tưởng tượng và sự sáng tạo khôn cùng” mỗi khi đi trên phố ở Brazil. Đặc biệt ấn tượng là các con phố bích họa, ví như khu Bậc thang Selaron tại trung tâm thành phố nằm bên bờ biển Đại Tây Dương Rio De Janeiro. Từ chỗ chỉ là một lối đi dốc dác nối giữa hai khu phố của đô thị ven biển, dưới chân tượng Chúa Cứu thế (Một trong Bảy Kỳ quan thế giới mới), vào năm 1990, họa sỹ nổi tiếng người gốc Chile tên là Selaron mang các miếng gốm màu và gạch vỡ để chỉnh trang lại các bậc thang trước cửa nhà mình. Lối tạo màu của ông đã khiến nhiều người bật cười nhạo báng, vì nó là một cái gì đó quá kỳ dị, không theo các quy chuẩn hội họa mà đám đông nghĩ là cần phải có. Dần dà, bằng sức lực, tiền của, tâm huyết của mình, kể cả việc phải bán những bức tranh quý giá gia bảo của mình đi, họa sỹ Selaron đã có thể gắn gạch và gốm sứ màu rực rỡ lên 2.000 mảng gạch lớn, tạo nên một họa phẩm bề thế là con dốc dài cao hun hút 125m, với 250 bậc cầu thang. Qua thời gian, các mảng gạch và gốm sứ được hoàn thiện dần, người đam mê nghệ thuật từ ít nhất 60 quốc gia đã tiếp tục đóng góp các khối màu kiên cố cho con đường danh tiếng Selaron. Các tác phẩm nổi tiếng “vẽ” trên gạch, xếp bằng gạch đá màu được nhiều người tham quan và chụp ảnh nhất, gồm: lá quốc kỳ Brazil khổng lồ, rồi cảnh người phụ nữ châu Phi đang mang thai khắc họa trên vô số viên gạch đẹp… “Bậc thang Selaron còn xuất hiện trên rất nhiều tạp chí, báo đài, các chương trình, phim tài liệu danh tiếng, đồng thời góp mặt trong các quảng cáo trên nhiều phương tiện truyền thông hàng đầu, cho nhiều sản phẩm cả thế giới ngưỡng mộ như: American Express, Coca Cola, Kellogg’s Corn Flakes, Time và Playboy. Trên một tờ báo từng dẫn lời Selaron :“Giấc mơ điên cuồng và độc đáo này chỉ kết thúc vào ngày tôi qua đời”. Đau đớn và kỳ lạ thay, năm 2013, Jorge Selaron bị phát hiện đã chết một cách bí ẩn trên những bậc thang danh tiếng mà ông dành hơn hai thập niên đời mình để sáng tạo đó.
Những tác phẩm khiến người dân phải gọi cảnh sát và xe cứu thương
Hội họa đường phố Brazil còn mang nhiều thông điệp thú vị. Khi Brazil bỏ ra 11 tỷ đô la (vào năm 2014), lừng lẫy đăng cai World Cup ở Rio, thấy phố xá, trường học, bệnh viện chưa xây, người dân rên xiết trong đói khát, các họa sỹ đường phố đã vẽ những cảnh nổi tiếng thế giới. “No football, need food”. Chúng tôi không cần ngay cả ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh kia, hoặc ít ra là chưa cần cái đó, chúng tôi cần thức ăn đã. Cảnh một cậu bé rầu rĩ đói khổ cầm dao dĩa ngồi trên bàn ăn và… giật mình thấy trên đĩa của mình là một trái bóng tròn như ai đó vừa nhặt từ sân cỏ World Cup về. Những bức tranh graffiti to bằng gian nhà, vẽ cậu bé lầm bụi ở xóm liều ngồi ngơ ngẩn, bên cạnh là các thiên thần eo thon ngực nở đang lạc lối vào tệ nạn mại dâm ma túy đã trở thành lời khẩn cầu cho việc cần phải xuống tay giải quyết, ngõ hầu tìm thấy một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hoặc như Mark Jenkins, gần năm chục tuổi đầu, thì lại là nhạc công nổi tiếng người Mỹ, đi chu du thiên hạ, qua Rio De Janeiro rồi bị nghệ thuật đường phố bỗng chốc hớp hồn. Anh chuyển sang vẽ, sắp đặt mô hình, mặc quần áo cho “nhân vật” tả thực vô cùng ám ảnh theo “phong cách graffiti”. Các tác phẩm qúa sống động. Thậm chí, khi anh vẽ người chết đuối hay chết vì tai nạn giao thông để cảnh báo xã hội phải cẩn trọng trước bao nhiêu hiểm họa, thì người đi đường bị ám ảnh đến mức nhấc máy gọi cho cảnh sát và xe cấp cứu khẩn cấp. Chuyện này được cả báo Tây và báo Việt Nam đều từng đăng tải.
Có người lại tự hỏi, sao nghệ thuật đường phố lại dậy hương sắc và thành công đặc biệt tạo nên bản sắc cả thế giới khát thèm ở Brazil. Câu trả lời rằng, nơi này khí hậu ôn hòa, nhân khang vật thịnh, họ cuồng nhiệt, nên luôn dành thời gian đặc biệt để sống mở ngoài thiên nhiên. Người thưởng lãm khao khát và mời gọi, họ truyền cảm hứng cho người sáng tác tiếp tục tận hiến. Nhiều họa sỹ tranh tường Brazil cho biết, họ không được đồng thù lao nào từ việc vẽ, kể cả vẽ những bức cao ngót trăm mét, song lòng mến mộ cổ vũ của người xem luôn là món quà lớn nhất để họ dốc cạn mình cho sáng tạo. Tranh tường có khi là chữ nghệch ngoạc, có khi là ký hiệu không rõ nghĩa của các băng đảng tội phạm hay híp-pi (lập dị), có khi là sự thừa sơn vẽ bậy phá quấy của những kẻ vô công rồi nghề. Các “con sâu làm rầu nồi canh” (vẽ bậy) đã khiến chính quyền phải đau đầu nhức óc; nhưng cũng có khi, các oái oăm kia là một kho báu nghệ thuật với sự tự do không giới hạn.
Rất nhiều khi, “hình vẽ trên tường” (chiết tự chữ Graffini theo tiếng La Tinh) còn thể hiện sự phản kháng dữ dằn của tâm trạng xã hội, ở một nơi mà tội phạm nhiều, vẻ đẹp hoang dại và bốc lửa tràn đầy, hố ngăn cách giàu nghèo thăm thẳm. Từ vẻ đẹp danh tiếng của các bức graffiti sẵn có và nhiều lên qua nhiều năm tháng, đến lượt mình, di sản tranh tường của Brazil đã quay lại hút các họa sỹ lãng tử phong trần nhất của thế giới tụ về. Họ xách cọ, xách bình xịt sơn tìm đến cùng trời cuối đất Nam Mỹ để vẽ rồi tưởng thưởng tất cả lại cho Brazil (làm sao mà mang về được, khi họa phẩm được vẽ trực tiếp lên các tòa cao ốc, lên các cây cầu bê tông tráng lệ…!).
Rất tinh tế, Shaka, họa sỹ nổi tiếng về tranh tường vẽ 3D ở Paris (Pháp) đã nói về các bức tranh ngoài trời khổng lồ ở Brazil sau cuộc thưởng lãm tại Sao Paulo như sau: “Gặp “tranh tường”, đối đầu với sự khác biệt về văn hóa ở nơi này, đã cho tôi cảm giác thật sự thú vị về một người đã đi biệt xứ”. Trí tưởng tượng, sự sáng tạo của con người ta là một cái kho vô tận, nó rộng một cách điên rồ; nó thậm chí có thể thổi một luồng sinh tân kỳ, khiến người ta được mê tơi trong một thế giới mà họ là kẻ bị biệt xứ lưu đày.
Trước giá trị độc đáo của graffiti, mới đây, tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan, người ta đã khai trương một Bảo tàng Nghệ thuật đường phố độc nhất vô nhị. Tận dụng một xưởng đóng tàu khổng lồ nhất hành tinh bị bỏ hoang ở phía Bắc thủ đô Amsterdam - xứ sở lâu đời và hoành tráng nhất của những thương thuyền đi khắp thế gian - bảo tàng ra đời với diện tích đồ sộ: 7.000m2 mặt sàn. Ban tổ chức đã thỉnh được sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ đường phố danh nổi như cồn từ khắp nhiều cái nôi graffiti trên toàn thế giới, như ngài David Walker (người Anh), Cranio (Brazil), Hauxxoh (Mỹ)… Mặt tiền của bảo tàng độc đáo này, là bức vẽ của Eduardo - nghệ sỹ nổi tiếng thế giới người Brazil - có tên “Hãy để tôi là tôi”, diễn tả gương mặt của Anne Frank cao tới 24m. Họa phẩm này được giới truyền thông cả thế giới thích thú loan tin, tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Anne Frank, SN 1929, là nhà văn, đồng thời là một trong những nạn nhân người Do Thái được biết đến nhiều nhất, bởi cô đã viết tác “Nhật ký Anne Frank”, ghi chép lại tỉ mỉ và xúc cảm cuộc đời của cô trong khi ẩn náu lúc Quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng và tàn sát trong Thế chiến Thứ hai. Đây là một trong những quyển sách nổi tiếng nhất thế giới, nó đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sỹ trên nhiều lĩnh vực. Và bây giờ, Anne Frank cao 24m đang “ngự” lên toàn bộ kiến trúc mặt tiền của Bảo tàng Nghệ thuật đường phố Amsterdam, để kêu gọi “Hãy để tôi là tôi”, để các nghệ sỹ graffiti thả rông trí tưởng tượng đến không cùng…
Tác giả: Đỗ Doãn Hoàng