Hình như có lời kinh theo mây gió trên trời rải xuống vùng đất nhỏ bé Bhutan, cho nên người dân nơi đây sống nhẹ như mây, đẹp như thơ, trong veo như ngọn gió Hy Mã Lạp Sơn. Thế giới ngày nay nhìn Bhutan là The last Shangri- la, một thung lũng bí ẩn tuyệt đẹp trong tiểu thuyết “Chân trời đã mất” của James Hilton, một Shangri - la cuối cùng trên hành tinh của chúng ta.
Như đi giữa trang thơ thiên nhiên
Nếu ai đó yêu triết lý sống chậm thì hãy đến Bhutan, nơi đây bạn sẽ khó có cơ hội cho những suy nghĩ manh động về sống vội. Những con đường quanh co trên bao la đồi núi dẫn bạn đến những ngôi nhà đơn sơ, nơi đó bạn sẽ gặp những nụ cười hồn nhiên mà hình như bạn đã thất lạc từ lâu không tìm thấy. Đa số người dân Bhutan còn nghèo nhưng họ vui tươi, rạng rỡ cùng ánh nhìn hiền lành, chân thật. Hạnh phúc hay đau khổ thật khó để nhận diện bằng vẻ bên ngoài nhưng với người Bhutan, có thể đọc được niềm hạnh phúc trên gương mặt thảnh thơi của họ,
Bhutan là quốc gia Phật giáo nên có nhiều chùa và tu viện. Người Bhutan sống theo triết lý nhà Phật và dưỡng nuôi đời sống tâm linh của mình bằng nguồn năng lượng là những truyền thuyết về các vị lạt ma và những du tăng. Bhutan có Thiền viện Takt- sang hay còn gọi là Tiger’ Nest (Thiền viện Hang Cọp) nổi tiếng thế giới. Với du khách, đây là công trình kiến trúc độc đáo ở độ cao gần 3000 m, nép mình bên vách núi cheo leo. Nhưng với người Bhutan, ngoài niềm tự hào về di sản văn hóa, Taktsang là thánh địa. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 8, đại sư Guru Padmasambhava cưỡi lên lưng hổ bay từ Tây Tạng sang ngọn núi này để thiền định trong ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ. Đại sư Padmasambhava được người dân Bhutan thành kính ghi ân vì đã đưa Phật giáo vào đất nước của họ. Tiger’s Nest thiêng liêng, đặt chân đến được Tiger’Nest là ước mơ và đôi khi chỉ nghĩ về nơi chốn đó thôi cũng là một cuộc hành hương trong tâm tưởng của Phật tử Bhutan.
Ở Bhutan, thích nhất là ngồi ngắm những cánh đồng vàng ươm trong thung lũng, trên ngọn đổi. Làng quên thanh lịch, cuộc sống trôi thong thả như dòng suối. Người dân chủ yếu đi bộ, học trò đến trường dù rất xã cũng đi bộ, có gì đâu để vội. nam mặc trang phục truyền thống Gho, nữ mặc Kira, bất kể lớn nhỏ, không phân biệt sang hèn. Đi qua làng Meshina ở cố đô Punakha thơm nồng khói đốt đồng là bạn có thể gặp những tăng sinh đáng yêu, những người dân dễ thương. Họ luôn nở nụ cười, nụ cười trong veo, ánh mắt trong veo. Với căn nhà tuềnh toàng, nhỏ bé chỉ vài con bò và thửa ruộng dưới thung lũng, họ nghèo, chắc chắn thế. Họ nghèo nhưng không khổ, sự bình an toát lên từ ánh mắt của họ.
Từ làng Meshina du khách theo đường mòn lên chùa Chimi Lhakhang hơn 500 năm tuổi, nơi ghi dấu công đức của lạt ma Drupka Kimley. Nếu như đại sư Padmasaambhava thiền định trên vách núi thì lạt ma Drupka Kin-ley với biệt danh “Người điên thần thánh” truyền bá Phật pháp theo cách của một lãng khách phong tình…
Người Bhutan không chỉ thờ Phật trong những ngôi chùa, hành xử từ hòa khí ở trong tu viện mà niềm tin tôn giáo được chuyển hóa tự nhiên trong đời sống thường nhật. Một quốc gia không có ma túy là điều mà các cường quốc hàng đầu thế giới không thể làm được, một đất nước hạn chế được tối đa tệ nạn xã hội. Trộm cắp, bạo lực, mại dâm là những thứ “xa xỉ” trên xứ sở hạnh phúc này. Nếu bạn có lỡ bỏ quên ví trên ô tô hoặc tàu hỏa thì người hướng dãn viên người Bhutan tự tin bảo: ‘ Không sao đâu, nếu có mất thì chỉ gió thổi bay đi thôi”. Một câu nói đầy ngụ ý về sự lương thiện của người Bhutan.
Không chỉ là Shangri- Ia của truyền thuyết
Tinh thần Phật giáo được thể hiện trong ứng xử của con người với con người và con người với thiên nhiên. Những khu rừng nguyên sinh vẹn nguyên mang dáng vóc sự trường tồn và sức nặng của thông điệp vĩnh cửu, những dòng song trong vắt sạch sẽ không người câu cá hay chài lưới, những cánh đồng không chất hóa học, những khu trung tâm không nhà kính cao tầng, Bhutan chẳng tỏ ra sốt ruột trước cơn lốc phát triển công nghiệp mà nhiều nước hụt hơi chạy theo, Bhutan bình tĩnh lội ngược dòng chảy của trào lưu công nghiệp hóa vì thấy được sự nguy hiểm tiềm ẩn bên trong.
Thủ tướng Bhutan- ôngTshering Tobgay- từng nói trước cộng đồng quốc tế rằng, Bhutan không phải là Shangi-la, không phải là tu viện lớn với những nhà sư vui vẻ mà là một quốc gia tuy nhỏ bé với 700.000 dân nhưng đã tạo được những giá trị mang ý nghĩa nhân loại. Một quốc gia có vị vua anh minh đưa ra định nghĩa của sự phát triển là Tổng Hạnh Phúc Quốc nội (Gross National Happiness), thì thước đo của giá trị không gì khác hơn là hạnh phúc cho người dân. GNH không là sự tưởng tưởng vu vơ hay lý thuyết suông… Bhutan đưa ra bốn tiêu chuẩn cụ thể để đo giá trị của hạnh phúc, đó là sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và quản trị hiệu quả.
60% tổng diện tích đất có rừng che phủ được ghi rõ trong Hiến pháp nhưng trên thực tế Bhutan có 70% diện tích rừng. Tất cả các ngọn núi trên đất nước này xanh thẳm, dọc theo những con đường đi xuyên qua các địa phương hai bên rừng đại ngàn nối tiếp nhau, thật khó có nơi nào giữ gìn thiên nhiên kỹ lưỡng và con người sống hài hòa với thiên nhiên như vậy. Người dân được cung cấp gỗ để làm nhà nhưng không khai thác tự do, mỗi thước cây đều phải được đánh dấu, ghi rõ nguồn gốc, được sự chấp thuận của chính quyền. Người dân còn nghèo nhưng yên tâm về việc học hành, khi ốm đau, Chính phủ miễn phí giáo dục và y tế.
Một giá trị khác của Bhutan là nền dân chủ do những vị vua anh minh tạo ra. Nhà vua Jigme Singyel Wangchuck- triều đại thứ tư của vương triều Bhutan- đưa vào Hiến pháp quyền của người dân được kết tội vua và vua phải về hưu ở tuổi 65… Nhưng có mọt thực tế mà Bhutan đang phải đối mặt là phải kháng cự với sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài. Mở cửa du lịch là đón du khách bốn phương, mở cửa bầu trời internet, là lối sống hiện đại xâm nhập qua nhiều kênh khác nhau. Con người vẫn luôn có nhu cầu tiếp thu, thụ hưởng thông tin và nguồn cảm hứng mới của cuộc sống và thời đại. Những thước phim ái tình nóng bỏng hay hành động bạo lực của Hollywood có làm phai mờ cảm xúc về những câu chuyện tôn giáo linh thiêng huyền bí, những đầu tóc nhuộm đủ màu với chiếc váy ngắn có hấp dẫn hơn chiếc Kira truyền thống che kin đến gót chân. Có quá nhiều khủng hoảng mà giới trẻ không dễ dàng vượt qua, có nhiều cường địch vô hình tấn công vào thành trì văn hóa mà Bhutan phải nỗ lực tự vệ. Hy vọng Bhutan phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của mình.
Ở đâu trên đất nước Bhutan cũng thấp thoáng những dây cờ ngũ sắc ghi những lời niệm chú. Người Bhutan tin rằng, câu kinh lời chú sẽ theo gió bay đi lan tỏa trong vạn vật, thấm đẫm trong trái tim, tâm hồn của họ, để trong ánh mắt họ luôn lấp lánh những nụ cười hồn hậu.