Trong hành trình khám phá Việt Nam, bốn điểm cực trên đất liền của đất nước là những địa điểm thiêng liêng mà cộng đồng du lịch ưa thích. Cùng chinh phục Mũi Đôi - điểm cực Đông nơi biển trời xanh thẳm!
Chắc chắn ai cũng sẽ muốn dấu chân mình có ở nơi cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc nằm ở cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, điểm cực Tây ở bản Tá Miếu thuộc xã vùng cao huyện Mường Nhé - Điện Biên, điểm cực Nam hiên ngang cùng sóng gió thuộc mũi Cà Mau, huyện Ngọc Hiển - Cà Mau và Mũi Đôi - điểm cực Đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc nằm ở Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.
Mũi Đôi thuộc làng chài Đắm Môn, nằm hiền hòa trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 80 km theo quốc lộ 1A về hướng Bắc và cách thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) khoảng 35km về hướng Nam.
Trước đây, Mũi Đại Lãnh (Phú Yên) được coi là điểm cực Đông của nước ta, thậm chí nơi này còn có một cột mốc lớn đề chữ “Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Tuy nhiên, khi Mũi Đôi (Khánh Hòa) được khám phá, người ta đã dựa vào tọa độ để công nhận rằng đây mới chính xác là điểm cực Đông của Tổ quốc trên đất liền. Theo số liệu đo đạc, Mũi Đôi đón ánh bình minh sớm hơn ở Mũi Đại Lãnh 4 giây. Tại vị trí này, một chóp inox đã được gắn vào ngày 4/8/2012 để làm mốc điểm cực. Bên cạnh đó, hành trình đi tới Mũi Đôi cũng gian nan, vất vả hơn nhiều lần so với Mũi Đại Lãnh. Dù vậy, đây là một địa điểm mà các bạn trẻ yêu thích du lịch bụi rất muốn chinh phục.
Khoảng thời gian đầu năm, từ tháng 1 đến tháng 5 là phù hợp nhất để lên đường bởi thời tiết không quá nóng, cũng không mưa, giúp bạn đỡ mất sức. Giai đoạn còn lại của mùa khô (tháng 6 đến tháng 8), nhiệt độ có thể lên tới 35-39 độ C, khiến con đường gian truân càng thêm phần khắc nghiệt. Trong khi đó, từ tháng 9 đến tháng 12 lại là mùa mưa, không phải thời điểm lý tưởng.
Trong 4 điểm cực, điểm cực Đông là khó chinh phục nhất. Việc đi qua những đồi cát giữa cái nóng như đổ lửa làm cho bạn cảm thấy khó khăn hơn bao giờ hết. Dưới cái nắng chang chang, những bước đi vùi trong nóng rát là thứ bạn phải vượt qua, như loài hoa Từ Bi kiên cường đã chinh phục cát trắng nơi đây.
Đến với cực Đông, không chỉ là tới một nơi hấp dẫn mà còn là dịp thử thách bản thân. Sau khi vượt qua hơn 2km hoang mạc cát là những ngọn núi cao sừng sững trước mắt. Có cả thảy 4 quả núi mà bạn phải vượt qua khi tới Mũi Đôi đó là núi Cát Thắm, Cỏ Ống, Suối Tôm, và Bãi Rạng. Đường lên núi nào cũng dốc ngược, đầy đá sỏi và cỏ tranh biển cứng như gai nhọn. Bạn đã bao giờ leo núi có cát trải đầy trên đá chưa? Mũi Đôi là dịp để cho bạn trải nghiệm điều đó, mất nước và mất sức là cảm nhận tức thì ngay từ chặng leo đầu tiên. Trekking Mũi Đôi dù làm bạn mệt nhọc nhưng đem lại nhiều ấn tượng khó quên. Đặc biệt, trên mỗi đỉnh núi khi vất vả vượt qua đều được bù đắp bởi những cảnh sắc tuyệt diệu như chốn bồng lai.
Theo kinh nghiệm của các phượt thủ, lộ trình chinh phục Mũi Đôi nên bắt đầu từ sáng sớm sau khi ăn sáng, khoảng 6h30 để chạy xe từ Nha Trang đến Đầm Môn (khoảng 80km). Khi tới Đầm Môn, bạn cũng đừng quên chụp hình kỷ niệm với cột mốc “Đầm Môn 0 km”. Sau đó, quay ngược lại khoảng 30 mét, bạn sẽ nhìn thấy bên tay phải có một con đường cao tốc rộng thênh thang, hai bên là không gian ngút tầm mắt phủ đầy cát, nhấp nhô núi đồi, khiến ta tưởng như đang ở Texas của Mỹ vậy.
Sau đoạn này, bạn sẽ bắt đầu thực sự “nếm mùi” gian nan. Đối lập với con đường cao tốc đẹp như mơ là quãng đường khắc nghiệt. Việc đi qua những con dốc cao như núi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi cát phủ dày như sa mạc, xe bị lún tới mức không dựng chân chống mà vẫn tự đứng được. Sau khoảng 1,5 giờ “vật lộn” thoát được khỏi đồi cát, cảm giác lúc này là tưởng như kiệt sức. Bạn sẽ tiếp tục phải chạy xe máy cẩn trọng trên đoạn đường khô cằn nứt toác, lộ ra những rãnh sâu và rộng hàng chục cm. Nhưng khi nhìn thấy cảnh biển đẹp tuyệt vời đang dần dần hiện ra trước mắt, mọi mệt mỏi sẽ tan biến, thay vào đó là sự phấn khích, hào hứng vô cùng. Sau khi ăn và nghỉ trưa ở nhà chú Hai (tên quen thuộc của người chuyên dẫn đường), bạn sẽ còn phải chinh phục 8km với nhiều địa hình khác nhau để đến điểm cực Đông. Tùy tình trạng sức khỏe, sau khoảng 2 - 3 giờ băng rừng, vượt núi, bạn sẽ tới được bãi Gió. Nhiều người chọn địa điểm này để dừng chân cắm trại (do mặt đất bằng phẳng, luôn có gió thổi mát lạnh), rồi sáng hôm sau dậy sớm đi tiếp ra Mũi Đôi. Thử thách cuối cùng trước khi chạm tay được vào chóp inox là bám dây thừng để trèo lên tảng đá lớn nhất, cao tầm 7 mét.
Sau những nỗ lực quên mệt mỏi, phần thưởng dành cho bạn chính là cảm giác vô cùng sung sướng, phấn khích tột độ khi đặt chân lên điểm cực Đông của Tổ quốc - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, nơi mà bất cứ dân phượt nào cũng mong muốn chinh phục. Cần lưu ý là mặt trời mọc rất nhanh, từ lúc bắt đầu nhô lên tới khi qua hẳn khỏi đường chân trời chỉ hơn một phút, bởi vậy hãy chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh trước 6h nếu không muốn bỏ lỡ giây phút đáng giá nhất của cả hành trình.
Chặng đường chinh phục cực Đông sẽ không ít khó khăn mệt nhọc, nhưng một lần được đứng trên tảng đá lớn giữa biển trời để đón những tia sáng mặt trời đầu tiên trên mảnh đất hình chữ S là cảm giác hân hoan khôn tả. Ý nghĩa hơn cả, đây chính là hành trình khám phá bản thân và vượt lên chính mình.
Đồ đạc cần chuẩn bị
Do phải di chuyển nhiều, đồ đạc mang theo càng gọn nhẹ càng tốt. Dưới đây là những thứ cần thiết nhất:
- Lều, đèn pin, bật lửa (nếu cắm trại qua đêm để hôm sau đón bình minh).
- Nước uống trong quá trình trekking. Mỗi người cần khoảng 2 lít (đi trong ngày) hoặc 3 lít (đi qua đêm).
- Pin dự phòng (nếu cắm trại qua đêm).
- Giày thể thao, trang phục có thể tránh nắng, mũ, khẩu trang, kính râm, găng tay (loại thoáng mát).
- Đồ vệ sinh cá nhân: khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội.
- Các loại thuốc và băng gạc, miếng dán y tế…
- Đồ bơi.
- Đồ ăn khô (xúc xích, bánh mỳ…).
- Áo mưa bộ và túi chống nước loại to để bọc balo hoặc máy ảnh trong trường hợp mưa.
|