Những rủi ro khi không trả nợ thẻ tín dụng


Dù được coi là một công cụ thanh toán phi tiền mặt phổ biến và tiện lợi ngày nay, nhưng thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro liên quan đến việc chủ thẻ chi tiêu không kiểm soát và không có khả năng hoàn trả dư nợ thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng là loại thẻ “tiêu trước, trả sau”, tức là bạn có thể “ứng trước” một số tiền trong hạn mức nhất định nào đó để chi tiêu và phải hoàn trả lại số tiền đó cho ngân hàng phát hành thẻ tối đa trong vòng 45 ngày mà không phải chịu lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất và phí phạt cũng rất cao nếu bạn thanh toán chậm. Tệ hơn nữa, việc chi tiêu quá khả năng tài chính của mình và không thể có đủ nguồn vốn để hoàn trả dư nợ thẻ tín dụng sẽ gây ra rất nhiều điều phiền phức cho bạn. Những điều khoản về việc thanh toán đã được quy định rất rõ ràng trong hợp đồng giữa bạn và ngân hàng, có tính pháp lý rất cao, do đó bắt buộc bạn phải tuân thủ chặt chẽ.

Sau đây là những lý do bạn nên coi việc thanh toán đúng hạn là một ưu tiên hàng đầu:

Áp lực tài chính tăng lên

Đương nhiên khi bạn đã không thể trả được khoản nợ thẻ tín dụng, lại kèm theo phí phạt do quá hạn thanh toán và lãi suất trả chậm nợ tín dụng, thì áp lực tài chính sẽ trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Theo chính sách sản phẩm tại BIDV, phí phạt cho mỗi lần khách hàng vi phạm cam kết là 4% trên tổng số tiền chậm thanh toán. Số tiền nợ càng cao, thời gian để nợ lâu thì mức phí bạn phải thanh toán càng lớn đồng thời khoản nợ của bạn sẽ bị rơi vào nhóm 5 hay còn gọi là “dư nợ có khả năng mất vốn”. Lãi suất trả chậm dao động từ 15% đến 18%/năm tùy từng loại thẻ, có thể lên đến 30% nếu để nợ lâu. Việc tính lãi này sẽ kết thúc khi bạn thanh toán đầy đủ khoản nợ.

Điểm tín dụng giảm xuống

Tuỳ theo số dư nợ và tình hình tài chính của bạn mà khoản nợ tín dụng của bạn sẽ được phân loại từ nhóm 1 đến nhóm 5 và hiển thị trên hệ thống của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), nơi lưu trữ, phân tích, dự báo thông tin tín dụng để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nhóm 1 là nhóm “dư nợ đủ chuẩn” dành cho các khoản nợ được thanh toán trong hạn hoặc dưới hạn 10 ngày và số thứ tự của nhóm sẽ tăng dần cho đến nhóm 5 tuỳ theo tình trạng nợ của bạn.

Nợ xấu từ thẻ tín dụng (từ nhóm 2 đến nhóm 5) chắc chắn sẽ làm giảm điểm tín dụng của bạn trên hệ thống CIC, hủy hoại uy tín của bạn với ngân hàng, do đó trong tương lai bạn sẽ rất khó có được cơ hội tiếp cận vốn hay phát sinh thêm bất kỳ khoản vay nào ở tất cả các ngân hàng hay tổ chức tài chính hợp pháp. Bạn cũng sẽ gặp khó khăn nếu muốn xin tăng hạn mức của thẻ vì chẳng ngân hàng nào thoải mái chấp nhận tăng hạn mức cho người thường xuyên quên thanh toán nợ.

Ngân hàng sẽ “bám đuổi” bạn bằng mọi cách

Ngân hàng sẽ dùng mọi biện pháp từ tin nhắn, email đến điện thoại trực tiếp để nhắc nhở bạn, đặc biệt sau 3 kỳ liên tiếp không thanh toán dư nợ thẻ tín dụng. Lúc này, thay vì lơ đi, cách tốt nhất là bạn nên đối mặt với ngân hàng để trả lời họ, bằng cách đó có thể ngân hàng sẽ tư vấn giúp bạn để tìm ra phương án xử lý tốt nhất.

Nếu không có sự trao đổi giữa hai bên, ngân hàng sẽ khóa hoặc đóng tài khoản thẻ của bạn ngay lập tức để tránh phát sinh những khoản chi tiêu mới.

Để hạn chế những rắc rối này, bạn nên thận trọng khi lên kế hoạch chi tiêu bằng thẻ tín dụng, bởi loại thẻ này có thể trở thành “cứu cánh” tài chính cho bạn trong nhiều trường hợp nhưng cũng có thể hủy hoại uy tín của bạn một cách nhanh chóng nếu bạn không có kế hoạch trả nợ kịp thời.

Các bài viết liên quan tag

Đăng ký ngay với BIDV để được hưởng ưu đãi hấp dẫn nhất!

BIDV

Kết quả gợi ý

    Các sản phẩm/dịch vụ gợi ý

      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
      Tìm thấy Kết quả
       
       
      Complementary Content
      ${loading}