1. Lãi suất thẻ tín dụng là gì?
Lãi suất thẻ tín dụng là khoản chi phí mà chủ thẻ sẽ bị mất khi chi tiêu “quá tay” và khả năng chi trả không đảm bảo theo quy định. Cụ thể:
1.1. Khái niệm lãi suất thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là một công cụ tài chính cho phép chủ thẻ có thể chi tiêu trước, trả tiền sau. Đi kèm với sự tiện lợi đó là nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền đã tiêu sau một thời hạn nhất định. Nếu quá thời gian trên mà bạn không chi trả đủ số tiền thì sẽ bị tính lãi.
Hay nói cách khác, lãi suất thẻ tín dụng chính là một khoản “phí phạt” vì chủ thẻ không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình với ngân hàng.
Thông thường các ngân hàng sẽ có thời gian miễn lãi (thường là 45 ngày) để bạn cân đối, thu xếp tài chính. Nếu bạn thanh toán trong khoảng thời gian này thì sẽ không bị tính lãi suất và phí trả chậm.
1.2. Lãi suất thẻ tín dụng phát sinh khi nào?
Lãi suất thẻ tín dụng sẽ phát sinh trong một số trường hợp nhất định. Khoản chi phí này sẽ bị tính khi chủ thẻ không thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn. Cụ thể:
- Khi không trả dư nợ tối thiểu đúng hạn: Đây là khoản lãi suất hay phần phí phạt do chủ thẻ không thực hiện việc chi trả ở mức tối thiểu. Tùy từng ngân hàng, mức phí trả chậm sẽ khoảng từ 4-6% của khoản dư nợ tối thiểu.
- Không thanh toán toàn bộ dư nợ trong thời gian miễn lãi 45 ngày: Nếu chủ thẻ không thực hiện thanh toán toàn bộ số tiền dư nợ thì sẽ bị tính lãi trên tổng số tiền đã sử dụng chứ không phải số tiền còn thiếu hay hạn mức quy định. Mức lãi suất này khá cao, thường là 2 con số và dao động khoảng trên 20%.
- Ngoài ra, lãi suất thẻ tín dụng còn phát sinh trong trường hợp chủ thẻ sử dụng thẻ để rút tiền mặt, quy đổi ngoại tệ tại các quốc gia khác.
Lãi suất thẻ tín dụng sẽ phát sinh khi chủ thẻ không thực hiện chi trả dư nợ đúng hạn
1.3. Thời gian miễn lãi của thẻ tín dụng
Như đã nói ở trên thời gian miễn lãi của thẻ tín dụng thường là 45 ngày. Nó bao gồm thời gian miễn lãi giữa hai chu kỳ thanh toán và thời gian được ân hạn. Trong đó:
- Ngày sao kê thẻ tín dụng
Là thời điểm ngân hàng chốt các giao dịch của khách hàng trong một tháng và thường cố định.
- Chu kỳ thanh toán
Là khoảng thời gian giữa 2 lần sao kê của ngân hàng. Đó chính là thời điểm bắt đầu từ ngày chốt sao kê của tháng này tới ngày chốt sao kê của tháng sau, thường là 30 ngày.
- Thời gian ân hạn
Đây là khoảng thời gian mà ngân hàng gia hạn thêm để khách hàng có thể thu xếp tài chính thực hiện việc thanh toán. Tùy thuộc vào ngân hàng mà khoảng thời gian ân hạn có thể là 15-20 ngày.
Nếu chủ thẻ thanh toán đủ dư nợ trong thời gian miễn lãi thì sẽ không bị mất chi phí lãi không đáng có. Ngược lại, nếu sau thời gian miễn lãi mà bạn vẫn còn dư nợ (kể cả đã thanh toán đủ số tiền tối thiểu) thì sẽ bị tính lãi trên tất cả các giao dịch bắt đầu từ thời điểm phát sinh giao dịch.
Ví dụ về nguyên tắc tính lãi của thẻ tín dụng
Bạn sử dụng thẻ tín dụng với thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chu kỳ thanh toán là từ ngày 30/4-30/5, ngày đến hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng là 20%/năm. Trong 30 ngày của tháng 5 đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 3 triệu. Số dư nợ 1: 3 triệu.
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 1 triệu. Số dư nợ 2: 3+1=4 triệu.
- Ngày 30/5 trả ngân hàng 3 triệu. Số dư nợ 3 còn lại là 1 triệu đồng.
Trong trường hợp, bạn quên và không thanh toán 1 triệu còn lại trong khoảng thời gian từ 30/5 đến hết 15/6 thì số tiền lãi sẽ bị tính gồm:
- Số dư nợ 1 từ ngày 8/5 đến 14/5: Tiền lãi = 3 triệu x 20%/365 x 7 ngày = 11.507 VNĐ.
- Số dư nợ 2 từ ngày 15/5 đến 29/5: Tiền lãi = 4 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 32.877 VNĐ.
- Số dư nợ 3 từ ngày 1/6 đến 15/6: Tiền lãi = 1 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 8.219 VNĐ.
Tổng lãi mà bạn cần phải thanh toán tới ngày 15/6 là:
11.507 + 32.877 + 8.219 = 52.603 VNĐ.
Ngoài ra, số tiền 1 triệu vẫn bị tính tiếp lãi cho tới thời điểm bạn thanh toán trả ngân hàng. Còn nếu bạn thanh toán đủ số tiền là 4 triệu trong thời điểm trước 15/6 thì sẽ không bị mất bất cứ một khoản lãi nào.
Thanh toán đầy đủ toàn bộ dư nợ trong thời gian miễn lãi là cách thông minh để sử dụng thẻ tín dụng
2. Các loại lãi suất thẻ tín dụng
Ngoài lãi suất tính trên số tiền dư nợ khi thanh toán không đúng hạn thì còn có một số lãi suất được áp dụng trên các khoản tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng. Cụ thể:
2.1. Lãi suất chung
Bản chất của thẻ tín dụng là vay tiêu dùng - vay trước, trả tiền sau. Do đó, mức lãi suất này cũng tương tự như các khoản vay thông thường, dao động từ 12-17%, tùy theo mỗi ngân hàng và từng sản phẩm thẻ tín dụng.
2.2. Lãi suất rút tiền mặt
Việc sử dụng thẻ để rút tiền mặt từ ATM/POS sẽ khiến bạn phải mất thêm khoản phí rút tiền với mức phí từ 3-5% giá trị giao dịch.
2.3. Lãi suất đổi ngoại tệ
Đây là phí phát sinh khi sử dụng thẻ tín dụng để giao dịch tại các quốc gia khác. Mức lãi suất dành cho phí chuyển đổi ngoại tệ khoảng từ 2-4% số tiền giao dịch, tùy theo quy định của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, với sự tiện lợi của thẻ tín dụng chi tiêu trên phạm vi toàn thế giới thì mức phí này cũng rất đáng.
3. Cách tính lãi suất thẻ tín dụng
Mỗi loại lãi suất thẻ tín dụng sẽ có cách tính khác nhau. Cụ thể:
3.1. Tính lãi suất khi rút tiền mặt tại ATM hoặc ứng tiền mặt tại thiết bị đọc Thẻ POS
Khi sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền tại ATM hoặc máy POS thì bạn sẽ bị mất phí rút tiền. Phí này sẽ được tính sau khi kết thúc giao dịch rút tiền.
Ví dụ
Ngày 1/4 bạn rút tiền tại máy ATM với số tiền là 3 triệu và chu kỳ thanh toán là từ 1/4 đến ngày 15/5 với mức lãi suất chung 20%, phí rút tiền mặt là 3%. Tới ngày 20/5 bạn mới thanh toán 3 triệu (trường hợp không phát sinh bất kỳ giao dịch nào khác) thì các khoản phí bạn phải chi trả:
- Phí rút tiền mặt: 3 triệu x 3% = 90.000 VNĐ
- Tính lãi suất từ ngày 1/4 đến ngày 20/5 là: 3 triệu x 20% /365 x 50 ngày = 82.192 VNĐ.
- Tổng chi phí phải trả khi rút tiền mặt tại ATM là: 90.000 + 82.192 = 172.192 VNĐ.
3.2. Tính lãi suất khi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ
Tính lãi khi chủ thẻ thực hiện các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ với thẻ tín dụng sẽ có 2 trường hợp xảy ra.
- Trường hợp 1:
Nếu vào ngày đến hạn thanh toán, chủ thẻ thanh toán toàn bộ số dư trên sao kê (bao gồm dư nợ của kỳ trước, dư nợ rút tiền mặt và thanh toán hàng hóa, dịch vụ, lãi, phí, phạt (nếu có) của kỳ sao kê đó), ngân hàng sẽ không thu lãi cho toàn bộ giao dịch trong kỳ sao kê đó của chủ thẻ.
Ví dụ: Bạn sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chu kỳ thanh toán là từ ngày 30/4-30/5, ngày đến hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng là 20%/năm. Không có dư nợ đầu kỳ và trong 30 ngày của tháng 5 đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 3 triệu.
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 2 triệu.
- Ngày 10/6 trả ngân hàng tổng 5 triệu.
Như vậy, bạn đã hoàn thành nghĩa vụ trong thời gian miễn lãi và bạn sẽ không bị mất bất kỳ một khoản phí nào.
- Trường hợp 2
Tới thời hạn thanh toán, chủ thẻ trả nợ ít nhất bằng khoản thanh toán tối thiểu, ngân hàng sẽ tính lãi đối với tất cả các giao dịch trong kỳ sao kê kể từ ngày giao dịch thẻ được cập nhật vào hệ thống quản lý thẻ của ngân hàng cho đến ngày trả nợ. Phần dư nợ còn lại (gốc, lãi, phí, phạt) chưa thanh toán sẽ tiếp tục bị tính lãi và được thể hiện trên sao kê của kỳ sao kê tiếp theo.
Ví dụ: Bạn sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chu kỳ thanh toán là từ ngày 30/4-30/5, ngày đến hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng là 20%/năm, số dư nợ tối thiểu cần thanh toán là 5% tổng tiền chi tiêu. Không có dư nợ đầu kỳ và trong 30 ngày của tháng 5 đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 3 triệu. Dư nợ 1 là 3 triệu.
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 2 triệu. Dư nợ 2 là 5 triệu
- Ngày 30/5 trả ngân hàng 3 triệu. Dư nợ 3 (số nợ còn lại) là 2 triệu.
Trong trường hợp này bạn đã thanh toán đủ số dư tối thiểu và dư nợ tại thời điểm ngày 15/6 vẫn còn 2 triệu thì số tiền lãi sẽ bị tính gồm:
- Số dư nợ 1 từ ngày 8/5 đến 14/5: Tiền lãi = 3 triệu x 20%/365 x 7 ngày = 11.507 VNĐ.
- Số dư nợ 2 từ ngày 15/5 đến 29/5: Tiền lãi = 5 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 41.096 VNĐ.
- Số dư nợ 3 từ ngày 1/6 đến 15/6: Tiền lãi = 2 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 16.438 VNĐ.
Tổng lãi mà bạn cần phải thanh toán tới ngày 15/6 là:
11.507 + 41.096 + 16.438 = 69.041 VNĐ
Ngoài ra, số tiền 2 triệu vẫn bị tính tiếp lãi cho tới thời điểm bạn thanh toán trả ngân hàng.
3.3. Tính lãi suất trong trường hợp không thanh toán khoản thanh toán tối thiểu
Trong trường hợp khách hàng không thanh toán khoản dư nợ tối thiểu (thường là từ 5-10% tổng số tiền chi tiêu) thì sẽ bị mất thêm khoản phí phạt trả chậm và lãi suất quá hạn.
Trong vòng 60 ngày đầu kể từ ngày đến hạn thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phạt chậm trả và lãi suất quá hạn (hiện tại đang quy định bằng lãi suất trong hạn), số dư nợ còn lại (sau khi trừ đi số tiền thanh toán tối thiểu) vẫn tính lãi suất trong hạn.
Nếu sau 60 ngày, chủ thẻ không thanh toán đủ khoản thanh toán tối thiểu thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn (hiện tại đang quy định bằng lãi suất trong hạn) và khoản phạt chậm trả.
Tính lãi suất trong trường hợp không thanh toán khoản thanh toán tối thiểu khi đến hạn thanh toán
Ví dụ
Bạn sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chu kỳ thanh toán là từ ngày 30/4-30/5, ngày đến hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng là 20%/năm, số dư nợ tối thiểu cần thanh toán là 5% tổng tiền chi tiêu. Phí trả chậm tối thiểu 150.000 VNĐ và bằng 5% số dư tối thiểu cần trả. Không có dư nợ đầu kỳ và trong 30 ngày của tháng 5 đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 3 triệu. Dư nợ 1 là 3 triệu.
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 2 triệu. Dư nợ 2 là 5 triệu
- Ngày 20/6 trả ngân hàng 3 triệu. Dư nợ 3 (số nợ còn lại) là 2 triệu.
Trong trường hợp này bạn đã không thanh toán đủ số dư tối và dư nợ tại thời điểm ngày 15/6 vẫn còn 5 triệu thì số tiền lãi sẽ bị tính gồm:
- Số dư nợ 1 từ ngày 8/5 đến 14/5: Tiền lãi = 3 triệu x 20%/365 x 7 ngày = 11.507 VNĐ.
- Số dư nợ 2 từ ngày 15/5 đến 20/6: Tiền lãi = 5 triệu x 20%/365 x 36 ngày = 98.360 VNĐ.
- Tính phí trả chậm: (5% x 5 triệu) x 5% phí trả chậm = 12.500 < 150.000 nên tính phí trả chậm là 150.000 VNĐ
Tổng lãi mà bạn cần phải thanh toán tới ngày 20/6 là:
11.507 + 98.360 + 150.000 = 259.867 VNĐ
Ngoài ra, số tiền 2 triệu vẫn bị tính tiếp lãi cho tới thời điểm bạn thanh toán trả ngân hàng.
4. Mẹo dùng thẻ tín dụng thông minh để tận dụng thời gian miễn lãi
Một số bí quyết hiệu quả sau đây sẽ giúp bạn tận dụng thời gian miễn lãi để thu xếp tài chính và đặc biệt là tối ưu chi phí tiền lãi.
4.1. Mẹo sử dụng để tận dụng thời gian miễn lãi
Thời gian miễn lãi tối đa thường được các ngân hàng áp dụng là khoảng 45 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu bạn thanh toán đủ thì không bị tính lãi. Vì thế cần nắm rõ những mẹo sử dụng thẻ tín dụng sau đây:
- Giao dịch vào đầu chu kỳ thanh toán
Bạn nên sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu vào thời điểm ngay sau khi nhận được sao kê từ ngân hàng. Điều này giúp bạn có được thời gian miễn lãi dài nhất để cân đối tài chính.
- Hạn chế mua sắm khi đã cận ngày lên sao kê
Ngược lại với nên chi tiêu bằng thẻ tín dụng đầu chu kỳ thanh toán thì việc mua sắm khi đã cận kề ngày sao kê cần được hạn chế. Bởi thời điểm này thời gian miễn lãi không còn nhiều. Nếu chi tiêu các khoản lớn có thể khiến bạn bị mất lãi nhiều hơn.
- Kiểm tra lịch sử giao dịch và khả năng chi trả
Việc kiểm tra lịch sử giao dịch và cân đối tài chính sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn. Nếu xét thấy khả năng chi trả cho ngân hàng trong thời gian miễn lãi bị ‘quá sức” thì nên hạn chế chi tiêu cho đến kỳ thanh toán mới.
- Cài đặt thanh toán dư nợ tự động
Đây là một trong những tính năng hữu ích, giúp bạn tránh được tình trạng quên thanh toán khi đến hạn. Qua đó, cũng hạn chế phải chi trả tiền lãi, phí nộp chậm.
- Thanh toán hết dư nợ để được miễn lãi cho các kỳ kế tiếp
Thông thường các ngân hàng sẽ không áp dụng thời gian miễn lãi nếu bạn vẫn còn dư nợ từ kỳ trước. Do đó, việc thanh toán hết dư nợ là cần thiết để được hưởng ưu đãi miễn lãi trong các kỳ tiếp theo.
4.2. Mẹo sử dụng để tránh bị đánh lãi suất cao
Bị tính lãi suất cao trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng là điều không ai mong muốn. Để tránh được tình trạng này bạn hãy áp dụng những bí quyết sau:
- Lựa chọn lãi suất quá hạn thẻ ưu đãi phù hợp
Mức lãi suất quá hạn sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng và từng sản phẩm thẻ tín dụng. Khi lựa chọn phát hành thẻ, bạn nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn ngân hàng cũng như thẻ tín dụng có mức lãi suất quá hạn ưu đãi.
- Thanh toán dư nợ đúng hạn
Yếu tố quan trọng nhất để tránh bị đánh lãi suất cao chính là thanh toán dư nợ đúng hạn. Việc này sẽ giúp bạn không phải bị mất thêm phí trả chậm và tính lãi cho các khoản chi tiêu. Bạn nên để ý hạn thanh toán, thường xuyên kiểm tra tin nhắn, email của ngân hàng để được nhắc nhở kịp thời, tránh tình trạng quên thanh toán.
- Thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt
Trong trường hợp bạn không có đủ tài chính để thanh toán toàn bộ dư nợ, thì có thể thanh toán từng phần một. Đồng thời, nên chú ý thanh toán càng sớm càng tốt vì hầu hết các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất tính theo dư nợ giảm dần.
- Cân nhắc kỹ khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng
Tính năng chính của thẻ tín dụng không phải để rút và chi tiêu tiền mặt. Do đó nên cân nhắc trong trường hợp thực sự cần thiết mới sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt. Bởi bạn sẽ bị mất thêm phí rút tiền và chịu chi phí lãi nhiều hơn.
- Lên kế hoạch chi tiêu hợp lý trong khả năng trả nợ
Một kế hoạch chi tiêu hợp lý trong khả năng thanh toán chính là “chìa khóa” để sử dụng thẻ tín dụng thông minh và mang lại nhiều lợi ích. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo khả năng chi trả khi đến hạn và không bị chìm đắm trong “nợ nần”.
Bạn nên có kế hoạch cân đối chi tiêu hợp lý để sử dụng thẻ tài chính thông minh và tối ưu chi phí
Như vậy, lãi của thẻ tín dụng sẽ không còn là nỗi lo nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng thông minh và cân nhắc chi tiêu hợp lý. Với nhiều lợi ích mang lại cho người dùng, thẻ tín dụng là một trong những công cụ tài chính linh hoạt, tiện ích trong cuộc sống hiện đại.
Nếu vẫn còn những băn khoăn về lãi của thẻ tín dụng, các bạn vui lòng liên hệ với BIDV qua hotline 19009247 hay điểm giao dịch BIDV gần nhất trên toàn quốc để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.